CafeLand - Đà Nẵng hiện có 164 khu nhà ở xã hội dạng chung cư cao tầng, với hơn 8 ngàn căn hộ, tổng giá trị đầu tư 1.400 tỷ đồng. Tất cả đều đang trong tình trạng xuống cấp, dự kiến sau 10 năm nữa, sẽ trở thành một gánh nặng về kinh phí đầu tư hạ tầng xã hội!

Ông Nguyễn Bá Bình, giám đốc công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng đã nêu lên thực trạng như vậy, khi bàn đến kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị địa phương. Theo ông, số lượng các nhà chung cư đang tăng lên ở đô thị Đà Nẵng là bài toán không đơn giản, nếu không đi kèm đó là những chính sách phù hợp để bảo hành, duy tu và tái đầu tư các công trình.

Không chỉ có Đà Nẵng, rất nhiều đô thị lớn nhỏ khác, cũng đang đối diện vấn đề này. Chỉ cần nhìn vào tổng quỹ nhà ở đang trong tình trạng xuống cấp, xập xệ, nguy cơ đổ sụp tại Hà Nội, TP.HCM, người ta sẽ hình dung được áp lực về chính sách nhà ở xã hội tại các địa phương này như thế nào.

Vậy nên, muốn phát triển an toàn, liệu trước, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng phải lo giải quyết bài toán bất cập về hạ tầng nhà ở xã hội, ông Bình đề xuất.

Áp lực tương lai

Lý do khiến các nhà ở xã hội có nguy cơ biến thành gánh nặng tương lai là do các nhà ở này chủ yếu được xây dựng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nghèo, hộ chính sách, các gia đình di dời trong quá trình chỉnh trang đô thị.

Riêng Đà Nẵng đã xây hàng chục chung cư nhà ở xã hội này trong nhiều năm qua, phục vụ công tác giải tỏa mặt bằng các dự án lớn, bố trí cho thuê với các đối tượng công nhân, viên chức trẻ… Chính sách miễn giảm, hỗ trợ của Nhà nước với các gia đình này khá lớn, gần như người dân chỉ đóng tiền thuê nhà hàng tháng. Theo ông Bình, tính trong giai đoạn tăng tốc phát triển đô thị vừa qua, Đà Nẵng đã giải quyết miễn giảm hơn 9 tỷ đồng thuê nhà ở như vậy.

Do đó, các kinh phí đầu tư sửa chữa hàng năm, duy tu bảo dưỡng các chung cư nhà ở xã hội, đều phải dựa vào nguồn cấp từ ngân sách Nhà nước hàng năm. Trong khi các công trình thì ngày một xuống cấp, số lượng nhà ở xã hội ngày một tăng lên, rõ ràng gánh nặng chi phí ngân sách này không hề đơn giản.

“Cứ có thêm một công trình nhà ở xã hội được xây lên, là chúng tôi được tính thêm một lượng vốn phải quản lý, lại càng làm cho nỗi lo tiền đâu mà sửa chữa, tái xây dựng lại trong tương lai càng lớn thêm”.ông Bình tâm sự.

Đều tắc

Điều đáng ngại với các nhà ở xã hội hiện nay, là cơ chế quản lý theo quy định Nhà nước lại cho phép “hóa giá” nhà ở, bán các căn hộ cho người dân sau thời gian dài cho thuê. Việc này chừng giúp người dân xác lập quyền sở hữu nhà ở với kinh phí ưu đãi, song lại dẫn đến sự bế tắc khi muốn xử lý về sau.

Một lãnh đạo ngành xây dựng Đà Nẵng nhìn nhận, Nghị định 61 của Chính phủ thời gian qua, là một trong những lý do gây ách tắc về quản lý nhà ở xã hội. Do người dân được cấp quyền sở hữu nhà ở trong chung cư, nên Nhà nước sửa chữa, cấp lại chỗ ở, di dời người dân đi nơi khác khi công trình phải tái xây dựng lại, phải có sự thỏa thuận đồng ý của họ. Ngược lại, trong quá trình ở, nếu người dân bị hư hỏng công trình, muốn sửa chữa, cũng không làm được do sẽ đụng chạm vào không gian công trình chung, do Nhà nước quản lý.

Chính vì cảnh trái khoáy này, mà rất nhiều khu chung cư nhà ở xã hội tại Đà Nẵng và các đô thị lớn, nhiều năm qua đã không thể sửa chữa được. Các hộ dân ở trong các căn hộ nhà ở xã hội cứ phải chấp nhận cảnh sống xập xệ, công trình hư hỏng không sửa được, Nhà nước cũng không can thiệp được khi chủ các căn hộ đã hóa giá tự ý cơi nới, thay đổi nội thất căn hộ…

Cần tăng trách nhiệm

Theo ông Bình, hướng nên làm với các nhà ở xã hội, chính là cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, hạn chế tối đa vấn đề hóa giá nhà ở sau một thời gian cấp, cho thuê, để giữ nguyên quyền quản lý toàn diện của Nhà nước ở các công trình xây dựng này. Khi các công trình xuống cấp, phải sửa chữa hay xây dựng lại hoàn toàn, Nhà nước có thể di dời các hộ dân thuê nhà sang một nơi ở khác, định hướng cho họ mua nhà ở thương mại hay các nhóm nhà ở khác về sau… Hàng năm, căn cứ vào vốn khấu hao, Nhà nước cũng chủ động hơn để bố trí các nguồn ngân sách bảo dưỡng, sửa chữa các nhà ở xã hội, thay vì phải xin sửa chữa từng hạng mục dự án như lâu nay.

Hơn nữa, Nhà nước cần quan tâm đến trách nhiệm chia sẻ của người dân sống trong các căn hộ nhà ở xã hội. Đó là nên có quy định thu tiền, đóng phí bảo trì, duy tu nhà ở xã hội, tiền tái đầu tư công trình về sau… cạnh số tiền thuê nhà. Như thế, người dân thuê nhà ở xã hội phải làm quen với trách nhiệm góp thêm phí tái đầu tư công trình dài hạn về sau, ngoài tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí phải trả hàng tháng…

Một khi có được nguồn quỹ tái đầu tư công trình qua khoản phí trách nhiệm này, cũng như nguồn kinh phí hàng năm phục vụ sửa chữa, khấu hao tài sản…, thì Đà Nẵng mới hy vọng giảm tải được áp lực các công trình nhà ở xã hội, và các địa phương khác cũng cần nhìn nhận sự việc ở góc độ này, ông Bình kiến nghị.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.