04/08/2010 4:46 AM
Nhu cầu mua đô la Mỹ được dự báo sẽ tăng trong các tháng cuối năm và theo đó áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng lên.
Áp lực lên tỷ giá có thể sẽ tăng

Trong khi các ngân hàng vẫn không thay đổi giá mua và bán đô la Mỹ của mình, giá loại ngoại tệ này trên thị trường tự do đã bắt đầu tăng từ cuối tuần trước lên 19.190 đồng mua vào và 19.220 đồng bán ra, và giữ ở mức đó cho đến hôm nay (26-7), tăng nhẹ 20 đồng so với giữa tuần trước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể mua được đô la Mỹ bằng giá niêm yết tại các ngân hàng dù giá bán đã ở mức cao nhất được phép là 19.100 đồng. Một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết phải bỏ thêm từ 40 - 100 đồng cho một đô la mua từ ngân hàng kể cả quốc doanh và cổ phần.

Việc này cũng được xác nhận bởi giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh lớn. Vị này cho biết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù đã có cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng nhưng khi thu được đô la Mỹ trước thời hạn thanh toán vẫn để đó chưa vội bán cho ngân hàng vì hy vọng giá có thể tăng.

Trong khi đó, ngân hàng phải đi tìm mua ngoại tệ từ các doanh nghiệp khác với giá cao, vì thế phải bán cho doanh nghiệp có nhu cầu với giá cao hơn giá niêm yết.

Vị này cũng cho rằng ngân hàng có nhiều cách để tăng giá mua và bán ngoại tệ với doanh nghiệp mà không phải thu thêm phí vì cách này đã bị Ngân hàng Nhà nước cấm. Ví dụ, một trong những cách thường dùng là điều chỉnh lãi suất huy động hoặc cho vay đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên hiện nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng cũng không quá khan hiếm, doanh nghiệp đăng ký mua ngoại tệ nếu chấp nhận giá cao thì sẽ được mua ngay, còn không thì phải chờ, chứ không như đợt sốt ngoại tệ đầu năm ngoái doanh nghiệp muốn mua giá cao cũng không có.

Nhu cầu mua đô la Mỹ được dự báo sẽ tăng trong các tháng cuối năm và theo đó áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng lên. Vị giám đốc trên cho biết hiện nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp sản xuất để nhập nguyên liệu đã bắt đầu tăng lên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết theo chu kỳ thì các tháng cuối năm nhu cầu mua ngoại tệ sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm vì ngoài việc các doanh nghiệp mua ngoại tệ để thanh toán, còn có một số tổ chức nước ngoài muốn chuyển lợi nhuận thành đô la Mỹ để đưa về nước.

Trong một hội thảo tại TPHCM tuần trước, bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, cho biết chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ hiện vẫn ở mức cao, khoảng 7% - 8%, đang gây áp lực lên tỷ giá khi nhiều doanh nghiệp vẫn muốn vay bằng ngoại tệ. Và nếu các doanh nghiệp này không có nguồn thu bằng ngoại tệ thì khi đến hạn trả nợ sẽ phải mua đô la, làm tăng nhu cầu ngoại tệ.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước có thành công trong việc giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng trong thời gian tới thì sẽ có một làn sóng doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng và trước khi chuyển, họ sẽ phải mua đô la để tất toán các khoản nợ hiện hành. Điều này cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, bà Thủy nói.

Quan điểm của bà Thủy cũng được ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đồng tình. Ông Thúy cho rằng vừa qua nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ bán lại cho ngân hàng làm tăng cung giả tạo khiến tỷ giá giảm, nhưng tới đây khi doanh nghiệp cần mua ngoại tệ để trả nợ sẽ gây áp lực lên tỷ giá. “Sẽ có áp lực chứ không phải ổn, và hiện nay đã có áp lực”, ông Thúy nói.

Áp lực nhiều hay ít sẽ phụ thuộc khả năng điều tiết của Ngân hàng Nhà nước mua bán can thiệp thế nào để giữ tỷ giá ổn định. Và chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước giải quyết được vấn đề về lãi suất tiền đồng thì mới có thể giải quyết vấn đề tỷ giá, ông cho biết.

Cafeland.vn
theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland