24/03/2016 8:03 AM
Từ 2/4 tới, hễ bước chân vào một tòa chung cư bất kỳ mà nói tục, chửi bậy, cãi nhau...thì sẽ bị xử phạt.

Vào chung cư có thể bị phạt nếu nói bậy, chửi tục theo quy định áp dụng từ ngày 2/4 tới. Ảnh: Như Ý.

Trước đó, những quy định cũng của cơ quan ban hành là Bộ Xây dựng đã khiến người dân “khóc dở mếu dở”, như: Cấm dùng tiền mặt giao dịch bất động sản; cho khu chung cư mở quán bar, karaoke (trước đây bị cấm)…

Ai xử phạt?

Cả tuần nay, cư dân sinh sống tại nhiều chung cư ở Hà Nội xôn xao quanh chuyện quy định nói tục, chửi bậy trong toà nhà sẽ bị xử phạt. Lý do xuất phát từ Thông tư 02 về Quản lý nhà chung cư của Bộ Xây dựng có một phụ lục những điều cấm, trong đó có cấm nói tục, chửi bậy. Thậm chí, Bộ Xây dựng còn đưa những hành vi trên vào xử lý vi phạm. Cụ thể, chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư nếu có hành vi vi phạm các quy định của quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời văn bản yêu cầu, chủ sở hữu, người sử dụng phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử lý vi phạm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 2/4/2016.

Được biết, Thông tư 02 sửa đổi một số điều tại Thông tư 08 (28/5/2008). Tại thông tư 08, có 10 hành vi cấm đối với các hành vi không phù hợp của người dân trong chung cư như: Cơi nới, chiếm dụng diện tích, kinh doanh ngành nghề gây cháy nổ và tuyệt nhiên, không có quy định cấm nói bậy, chửi tục, cãi nhau trong tòa nhà. Một cán bộ Bộ Xây dựng tham gia soạn thảo Thông tư 02 cho rằng, quy định cấm nói tục, chửi bậy nhằm chuẩn hóa nếp sống văn hóa chung cư, văn minh đô thị.

Tuy nhiên, người dân sinh sống trong chung cư băn khoăn về “tiêu chí” đánh giá thế nào là nói tục, chửi bậy, mức độ thế nào thì bị phạt. Anh Hồ Anh Khoa (sống tại chung cư tòa Sông Hồng Land Thái Hà - Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ai đi kiểm tra để xử phạt? Nếu xử phạt cả khách đến chơi vì chửi bậy chắc không ai dám đến nhà tôi chơi nữa”.

Đồng thời, ban quản lý toà nhà này cũng cho biết, thực tế, toà nhà cũng dán nội quy chung trong chung cư, nhưng những hành vi nói tục, chửi bậy không ai giám sát, kiểm tra. Vì vậy, nếu quy định này được áp dụng, Bộ Xây dựng phải đưa ra một danh sách những câu nói được cho là tục, bậy.

Chị Diệu Huyền (chung cư Kim Văn, Kim Lũ - Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đàn ông nói tục chửi bậy như câu cửa miệng còn phụ nữ đôi khi vì con cái chơi với nhau xảy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến cãi nhau. Tuy nhiên, cãi nhau xong rồi thôi, vẫn là hàng xóm bình thường.

Có thể bị “tuýt còi”?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đồng Ngọc Ba-Cục trưởng Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp) cho biết, sẽ cho kiểm tra ngay Thông tư 02 của Bộ Xây dựng. Cụ thể là xem xét dựa trên căn cứ pháp lý, thẩm quyền quy định và nội dung có trái luật không. Đồng thời, khi thông tư ban hành có đúng trình tự theo quy định. Cụ thể, thủ tục liên quan đến lấy ý kiến, thẩm định của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, nó có hợp lý, khả thi hay không phải xem xét thực tiễn, khoa học...

“Sau khi kiểm tra và có kết luận, nếu sai phạm, chúng tôi sẽ nêu ý kiến để cơ quan ban hành thông tư điều chỉnh cho phù hợp. Có khả năng, trong thời gian dự thảo, quá trình lấy ý kiến chưa nhận được phản hồi của người dân nên khi ban hành thông tư người dân mới bất ngờ và phản đối. Nếu chưa lấy ý kiến theo đúng quy định cũng phải xem lại trình tự thủ tục”, ông Ba nói.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên, một văn bản của Bộ Xây dựng đưa ra gây tranh cãi và nhiều người dân tỏ ý không đồng thuận, thậm chí phản đối. Cách đây 3 năm, trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố, yêu cầu kiểm soát chất lượng thiết kế công trình (đặc biệt là các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước), Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”. Ngay sau khi công văn ra đời, nhiều người đã phản ứng, và cho rằng, các công trình kiến trúc cổ điển Pháp đã gắn bó với đời sống người dân hơn 100 năm nên việc cấm đoán như vậy là vô lý. Thay vì giải thích thỏa đáng, Bộ Xây dựng phát công văn cho rằng, do lỗi sai sót trong quá trình in ấn.

Và không ít lần Bộ Xây dựng đưa ra những đề xuất “lạ đời” khác như: Cấm mua nhà bằng tiền mặt; cho phép sử dụng tòa chung cư làm quán bar, karaoke...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, lần đầu tiên, VCCI bình chọn 10 văn bản pháp luật tốt nhất-tồi nhất sẽ “quét” các văn bản trong năm 2014-2015 đang còn hiệu lực. Trong đó, sẽ khoảng 70% là lấy ý kiến đánh giá từ các hiệp hội doanh nghiệp, 30% còn lại từ các doanh nghiệp, người dân. Các văn bản sẽ được “soi” về tính cần thiết; tính hợp lý, thống nhất, khả thi, minh bạch, tuân thủ, tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ
nhũng nhiễu…

Về Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, ông Tuấn cho biết, sẽ xem xét đánh giá đưa vào kết quả bình chọn vào năm tới và có khả năng văn bản này nằm ở mục tồi nhất nếu có nhiều đề xuất của hiệp hội, chuyên gia và cơ quan nhà nước.

Duy Bách (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.