03/05/2015 8:09 AM
Việc Ngân hàng Nhà nước gấp rút đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay bằng biện pháp kỹ thuật được giới chuyên gia đánh giá là mang tính cơ học, phi thị trường.

Giới chuyên gia đánh giá giải pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay mang tính cơ học và phi thị trường

Tại Diễn đàn Mùa Xuân vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào tháng 4 vừa qua, cơ quan này nhận định cơ chế hoạt động của VAMC Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu.

Nợ xấu giảm nhờ VAMC

Cụ thể, cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

“Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy. VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với Ngân hàng Nhà nước để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá, đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại”, Ủy ban kinh tế Quốc hội phân tích.

Như vậy, hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ nói chung có sự ổn định hơn trong năm 2014 so với hai năm trước đó. Thực tế, từ giữa năm 2013, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3,6%. Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,11%. Đến tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3,8%, nhưng việc giảm này vẫn là nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, VAMC đã mua khoảng 125.000-130.000 tỷ đồng nợ xấu gốc từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy vậy, giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể. Tính đến 24/12/2014, chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỷ đồng.

“Nhưng đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường. Các hoạt động mua lại, sáp nhập mà không làm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị sẽ khó có thể xoay chuyển tình thế hiện nay”, cơ quan này bình luận.

Năm 2014 xử lý được 11% nợ xấu

Theo ước tính của CTCK Tp.HCM (HSC), hệ thống ngân hàng đang tạo ra khoảng 289.062 tỷ đồng lợi nhuận trước trích lập dự phòng trong vòng 3 năm qua và đã trích lập dự phòng 150.831 tỷ đồng. Trung bình xử lý được khoảng 53.756 tỷ đồng nợ xấu hàng năm. Cho thấy tỷ lệ trích lập dự phòng so với với lợi nhuận trước trích lập dự phòng là 52%. Nghĩa là tỷ lệ xử lý nợ xấu chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ cho vay năm 2014.

Với tổng dư nợ cho vay cuối năm 2014 là 3.970.548 tỷ đồng (tăng 14,2% so với năm trước); chi phí dự phòng là 53.693 tỷ đồng và chi phí xóa nợ xấu là 48.806 tỷ đồng, HSC ước tính nợ xấu sau xử lý nợ là khoảng 437.885 tỷ đồng, (sau khi đã cộng ngược lại khoảng 84.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2014 vào tổng dư nợ thì tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 11%).

“Căn cứ vào những tính toán này, chúng tôi cho rằng tốc độ xử lý nợ bình quân hiện tại sẽ là khoảng 53.756 tỷ đồng một năm (con số này bị tác động mạnh bởi trích lập dự phòng hàng năm). Vì vậy, hệ thống sẽ cần thêm khoảng 2,8 năm để trích lập đầy đủ toàn bộ số nợ xấu với mức độ thu hồi nợ xấu hiện tại (giả định rằng cứ 1 đồng nợ xấu thì khả năng thu hồi được sẽ là 0,25 đồng, hay nói cách khác, tỷ lệ thu hồi nợ xấu là 25%)”, HSC tính toán.

Tốc độ xử lý trung bình là như vậy, nhưng tốc độ xử lý nợ xấu của từng ngân hàng khác nhau sẽ khác nhau và một số ngân hàng yếu kém có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn. Điều này giải thích tại sao 5 năm cho toàn hệ thống dường như là không đủ.

Không phải muốn nhanh là được

Mặc dù thúc giục như vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước hiểu việc xử lý nợ xấu không đơn giản như vậy. Do vậy, những động thái mới đây của cơ quan này cho thấy việc xử lý nợ xấu cần phải có thêm thời gian. Vì vậy, một vài điểm trong Nghị định 53 đã được sửa đổi đối với việc bán nợ cho VAMC và kéo dài thời gian trích lập dự phòng từ 5 năm lên 10 năm.

Mục tiêu của việc sửa đổi này nhằm giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Dự tính, lợi nhuận năm nay của các ngân hàng sẽ bị ăn mòn mạnh mẽ bở nhu cầu trích lập dự phòng quyết liệt hơn do Thông tư 03 sẽ chính thức áp dụng từ tháng 6 năm nay và gánh nặng ngành càng tăng từ các trái phiếu, đặc biệt của VAMC phát hành trong năm 2014 và 2015 sẽ bắt đầu phải ghi nhận trong năm nay.

Năm 2015, VAMC lên kế hoạch sẽ phát hành khoảng 80.000 tỷ đồng trái phiếu, cùng với 123.000 tỷ đồng đã phát hành trong năm 2013 và 2014. Tổng cộng là khoảng 203.000 tỷ đồng vào cuối năm nay sẽ phải trích lập.

Theo quy định của Nghị định 53 thì số lượng trái phiếu này sẽ làm phát sinh khoảng 32.600 tỷ đồng dự phòng vào cuối năm 2015. Giả sử rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng của cả hệ thống ngân hàng là khoảng 15%/năm và đạt 109.130.000 tỷ đồng, thì riêng trích lập dự phòng từ trái phiếu VAMC cũng đã chiếm đến 29,9% tổng lợi nhuận trước dự phòng của cả hệ thống.

Thêm vào đó, còn phải tính cả dự phòng chung và riêng của các ngân hàng đối với các khoản nợ từ nhóm 2-5. Do đó, việc sửa đổi này có khả năng được nhìn nhận như là một nỗ lực đúng lúc trong việc đón đầu xử lý các khó khăn có thể phát sinh đối với một số ngân hàng yếu kém vào thời điểm cuối năm nay.

Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi nợ xấu đến thời điểm này là khiêm tốn nhưng vẫn giúp giảm bớt chi phí trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ thu hồi nợ xấu thấp chủ yếu là do bản thân các ngân hàng đã không thực sự áp dụng các quy trình hữu hiệu nhằm trích lập dự phòng nợ xấu ở mức phù hợp với giá trị mua bán món nợ đó ở thị trường nợ thứ cấp.

Nói một cách rõ hơn là các ngân hàng có xu hướng không sẵn sàng đồng ý cho VAMC bán các khoản nợ mà có khả năng sẽ làm trích lập dự phòng tăng mạnh so với ước lượng ban đầu. Vì vậy, dù nhìn nhận ở góc độ nào, quá trình xử lý nợ xấu vẫn cần thêm thời gian. Ít nhất là đối với các ngân hàng yếu kém.

“Bằng cách giãn kỳ hạn của trái phiếu đặc biệt của VAMC từ 5 năm thành 10 năm trong một số trường hợp cụ thể và cho phép giảm trừ các khoản nợ thu hồi được từ VAMC ra khỏi tổng số dự phòng cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng kéo dài thêm thời gian cho toàn bộ hệ thống ngân hàng nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu trong khi vẫn giảm thiểu các rủi ro hệ thống có thể phát sinh từ kế hoạch trích lập dự phòng quá quyết liệt”, HSC bình luận.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng
Trần Giang (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.