Thép, bê tông, gỗ, kính xây dựng… là những loại vật liệu xây dựng có thể tái chế để tái sử dụng trong nhiều hạng mục công trình với chất lượng tương đương các loại vật liệu truyền thống.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu cụ thể là sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng, vật liệu có sức cạnh tranh cao, loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều tài nguyên…

Trong đó, việc tận dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững trong xây dựng.

Việc tận dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Lợi ích khi sử dụng vật liệu xây dựng tái chế

Hiện nay, tại các công trình từ xây mới, tu sửa đến phá hủy đều tạo ra một lượng lớn chất thải xây dựng. Phế thải xây dựng thường bao gồm bê tông, gỗ, nhựa đường, thạch cao, kim loại, gạch, kính, nhựa, đất, đá...

Chất thải xây dựng vẫn có nhiều tiềm năng tái sử dụng một cách hiệu quả, an toàn, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, nếu được xử lý đúng cách, vật liệu tái chế có thể thay thế, duy trì chất lượng tương đương với vật liệu truyền thống trong các công trình xây dựng.

Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu xây dựng tái chế còn giúp các nhà đầu tư tiết kiệm đáng kể chi phí cho các dự án. Tiết kiệm chi phí từ khâu khai thác tài nguyên để sản xuất vật liệu mới, tiết kiệm chi phí trong quy trình sản xuất, chi phí về năng lượng, nhiên liệu và chi phí lao động.

Thép tái chế khi hết thời gian sử dụng thì quy trình chế biến thép phế liệu tiếp tục quay vòng

Trong quá trình sản xuất, việc vận chuyển vật liệu tái chế cũng ít tốn kém hơn so với việc vận chuyển nguyên liệu thô. Các vật liệu xây dựng từ các công trình cũ thường được nghiền nát, sàng lọc theo các kích thước khác nhau và có thể được xử lý khi cần thiết.

Những vật liệu xây dựng nào có thể tái chế?

Tái chế là quá trình tái sử dụng các vật liệu bị loại bỏ, đưa chúng trở lại chu trình sản xuất. Lựa chọn sử dụng các loại vật liệu có thể tái chế trong công trình xây dựng là cách hiệu quả để bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

Dưới đây là một số loại vật liệu xây dựng tái chế, có thể sử dụng tốt trong thi công, xây dựng nhà cửa hiện nay.

Thép tái chế

Tại Việt Nam, do nguồn cung cấp sắt thép vụn gom ở trong nước chỉ đạt gần 40% nhu cầu nên các doanh nghiệp phải sử dụng 60% nguyên liệu sắt thép vụn nhập khẩu để đáp ứng đủ cho sản xuất.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, sản xuất thép từ phế liệu được đánh giá là công nghệ thân thiện với môi trường. Việc dùng sắt thép phế liệu để sản xuất ra thép có thể giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm 1/5 phát thải khí nhà kính so với sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.

Các sản phẩm được làm từ thép tái chế khi hết thời gian sử dụng thì quy trình chế biến thép phế liệu tiếp tục quay vòng.

Trên thị trường, thép tái chế là vật liệu xây dựng được rất nhiều chủ đầu tư sử dụng trong ở các công trình lớn và nhỏ với phương pháp xây nhà bằng khung thép tiền chế.

Loại vật liệu này có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công, có thể tháo dỡ và lắp ráp nhanh chóng, tạo cho không gian thoáng mát, rộng rãi hơn mà không làm giảm chất lượng công trình.

Bê tông

Trong xây dựng, bê tông là vật liệu xây dựng hàng đầu được lựa chọn để thi công nhà ở hay các công trình lớn, giúp đáp ứng những yêu cầu về kết cấu và độ bền của công trình.

Bê tông tái chế thường chỉ được sử dụng như một lớp nền phụ cho công trình xây dựng

Bê tông thường được làm bằng xi măng pooclăng trộn với cốt liệu đá, cát và nước. Phụ gia là hóa chất được thêm vào hỗn hợp bê tông để kiểm soát các đặc tính đông kết của nó và được sử dụng chủ yếu khi đổ bê tông trong các điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Để tái chế bê tông, người ta sử dụng máy nghiền đặc biệt để nghiền nhỏ bê tông thành cốt liệu bê tông tái chế.

Bê tông tái chế rất hữu ích khi được sử dụng như vật liệu cơ bản cho các công trình xây dựng thương mại và dân dụng như thi công nhà xưởng, cầu, cống…

Trong ngành xây dựng, bê tông tái chế thường chỉ được sử dụng như một lớp nền phụ cho công trình xây dựng. Loại cốt liệu tái chế này nhẹ hơn từ 10-15% so với bê tông nguyên chất, từ đó giúp giảm chi phí vật liệu, vận chuyển.

Nhựa đường

Nhựa đường có thành phần chính là bitum và thường xuất hiện trong dầu thô, trầm tích tự nhiên. Đây là vật liệu được sử dụng nhiều trong ngành xây dựng, công dụng chính là sản xuất bê tông nhựa đường asphalt để rải đường, lát nền.

Trong quá trình tái chế, nhựa đường được thu hồi có thể được sử dụng ở dạng cốt liệu đã được nghiền nát như một màng bán thấm cho mặt đường hay trở thành vật liệu nền hoặc vật liệu độn.

Gỗ

Ngày nay, sử dụng gỗ tái chế đã đang là xu hướng khá phổ biến trong các công trình xây dựng. Vật liệu gỗ tái chế có thể được sử dụng trong các bộ phận kết cấu lớn, làm dầm hoặc làm vật liệu phụ trợ cho các mục đích khác.

Thạch cao

Thạch cao là vật liệu có thể tái chế, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, quá trình này có thể phát thải hydro sunfua dễ cháy, có độ độc hại cao, làm ô nhiễm đất và nước ngầm.

Ngược lại, với quy trình và công nghệ xử lý phù hợp, thạch cao tái chế vẫn giữ được các đặc tính vật lý và cơ học như thạch cao thông thường nhưng với chi phí thấp hơn khá nhiều.

Kính xây dựng

Mặc dù chai lọ thủy tinh được tái chế rất nhiều, nhưng quá trình tái chế các loại cửa kính lại gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với hàng loạt tác dụng phụ.

Kính xây dựng có thể tái chế

Với ngành xây dựng, vật liệu kính sau khi sử dụng có thể được nấu chảy và tái chế thành sợi thủy tinh để trộn vào nhựa đường hoặc sơn tường. Vật liệu tái chế này rất hữu ích trong việc trang trí nhà bằng cách kết hợp các mảnh kính vỡ cùng bê tông để làm sàn nhà hay mặt bàn.

Nhựa EPS

Tương tự như sắt thép, gỗ, nhựa EPS cũng là một loại vật liệu xây dựng có thể dễ dàng tái chế. Cụ thể, sau khi được nghiền và nén, nhựa EPS tái chế có thể trở thành nguyên liệu thô để sản xuất các sản phẩm nhựa mới, được ứng dụng rộng rãi trong ngành xây dựng.

Phế thải xây dựng

Hiện nay, quy trình tái chế, tận dụng những phế liệu xây dựng thành vật liệu khá đơn giản. Phế liệu xây dựng được cho vào máy nghiền và loại bỏ tạp chất cho ra cốt liệu thô làm đá bê tông thay thế cho đá xây dựng. Cốt liệu này sau khi trộn với cát, xi măng và nước sẽ cho ra bê tông thành phẩm.

Ngày nay, việc tận dụng phế thải công nghiệp, xây dựng làm vật liệu xây dựng có ý nghĩa trong việc giảm thiểu sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, giúp bảo vệ môi trường và tạo ra hệ vật liệu mới làm đa dạng nguồn vật liệu xây dựng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.