28/09/2020 5:03 PM
Tổ chức hệ thống chính quyền tại TPHCM theo mô hình chính quyền đô thị được cho là một trong những biện pháp chủ lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong dài hạn. Đề án đã được Bộ Nội vụ thẩm định sơ bộ và đang được các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để trình cho Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị cho TPHCM đòi hỏi phải rà soát, điều chỉnh khung pháp lý, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương. Một chính quyền được tổ chức tinh gọn, được trao quyền tự chủ rộng rãi cùng với trách nhiệm giải trình chặt chẽ là yêu cầu đặt ra đối với mô hình này, đồng thời cũng là mục tiêu của đề án.

Xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững

Chính quyền đô thị không nhất thiết được tổ chức theo phương thức phân cấp được áp dụng đại trà cho các địa phương khác. Sự tập trung dân cư có mặt bằng dân trí cao trên một phạm vi lãnh thổ nhỏ hẹp và điều kiện đi lại, giao tiếp thuận lợi, cho phép xây dựng bộ máy quản trị công theo hai cấp ở những địa bàn thích hợp. Cấp chính quyền cơ sở có HĐND và UBND.

Các địa phương trực thuộc thành phố phải tự cân đối thu - chi trong quá trình hoạt động hoặc ít nhất là có thể tự cân đối sau một thời gian nhất định kể từ khi thành lập. Không đạt được điều này, quy chế tự chủ của địa phương có thể bị thu hồi.

Quan trọng nhất là có một chính quyền cấp thành phố thật mạnh về mọi phương diện. Đặc biệt, về mặt tài sản, tài chính, thành phố được trao quyền hạn rộng rãi về xây dựng, quản lý ngân sách địa phương; có các quyền của chủ sở hữu đối với công sản được giao cho địa phương quản lý; tự chịu trách nhiệm về những khoản nợ công của địa phương bằng các tài sản công đặt dưới quyền quản trị của địa phương.

Chính quyền địa phương tự chủ, trong chừng mực nào đó, được coi là do cư dân địa phương tạo ra bằng lá phiếu cử tri và được cư dân địa phương trao quyền đại diện cho chủ sở hữu đối với các công sản thuộc quyền quản lý của địa phương. HĐNDTP được cử tri thành phố trực tiếp bầu và có trách nhiệm giải trình trước cử tri thông qua vai trò của các đại biểu dân cử.

UBND là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung do HĐND bầu và được giao thực hiện chức năng đứng đầu hệ thống hành chính công quyền của địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân thành phố do HĐND đại diện. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chuyên ngành được đặt dưới thẩm quyền của UBND và HĐND cả về tổ chức lẫn hoạt động.

Trong mối quan hệ với chính quyền trung ương, chính quyền thành phố được nhìn nhận là một thực thể tự chủ về những phương diện cần thiết cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vẫn là một thành phần của một nhà nước thống nhất. Chính quyền trung ương thực hiện quyền giám sát và kiểm tra, chủ yếu mang tính chất hậu kiểm, đối với các hoạt động của chính quyền thành phố.

Về phần mình, chính quyền thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phát triển; tự quyết định về các chỉ tiêu trên cơ sở kế hoạch phát triển chung của cả nước; quyết định về các vấn đề phát sinh trong khuôn khổ quản trị địa phương theo thẩm quyền được phân giao; chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của chính quyền địa phương trước chính quyền trung ương theo quy định của luật.

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.

Nguyễn Ngọc Điện (CATP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.