Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Hội đồng thẩm định (Bộ Nội vụ) thông qua.

Mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM gồm 2 điểm nổi bật: thành lập “thành phố trong thành phố” - là hạt nhân, là một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững; đồng thời không tổ chức HĐND quận, phường giúp tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng. Bộ máy tinh gọn, đảm bảo phục vụ tốt hơn chất lượng cuộc sống của người dân và nỗ lực đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cả nước là ưu điểm và cũng là mục đích của chính quyền đô thị tại TPHCM.

Những điểm nổi bật của mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

“Cực” tăng trưởng mới: Thành phố Thủ Đức

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức), TPHCM sẽ sắp xếp 19 phường thuộc 6 quận. Cùng với đó, thực hiện chủ trương khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính và xuất phát từ yêu cầu thực tế, TPHCM đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập thành phố Thủ Đức (tên tạm gọi) vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Tạo thu nhập tốt hơn cho người lao động

Việc thành lập thành phố Thủ Đức được UBND TPHCM đánh giá là mang lại nhiều tác động tích cực: tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; giảm chi phí, ngân sách chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức; tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế đầu tư dàn trải; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố Thủ Đức phát triển, có khả năng tạo ra những ngành nghề và việc làm mới, tạo thu nhập tốt hơn cho người lao động, đời sống người dân được cải thiện.

Thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức trước đây), thuộc phía Đông TPHCM. Toàn TPHCM rộng hơn 2.095km2 với 9 triệu dân thì “thành phố trong thành phố” Thủ Đức rộng hơn 211km2 với hơn 1 triệu dân. Nơi đây có nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng, như: Khu Công nghệ cao TPHCM (giai đoạn 2010-2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); cụm Đại học phía Đông TPHCM (với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); khu vực này còn có tuyến Vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái lớn nhất Việt Nam… Đây là các tiền đề rất quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TPHCM. Đây còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững. Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai).

Những điểm nổi bật của mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM

Khu cảng tại phường Trường Thọ, trung tâm của thành phố Thủ Đức tương lai. Ảnh: Cao Thăng

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao được định hình với 8 trung tâm quan trọng: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm và các đại học lân cận…); Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

Để khu đô thị sáng tạo tương tác cao phát huy tác dụng, theo UBND TPHCM, nó phải được quản lý về mặt nhà nước bởi một đơn vị hành chính, chứ không thể thuộc 3 quận như hiện nay. Do đó, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, sự chủ động cao để phát huy tổng hợp thế mạnh của 3 quận, của thành phố, khu vực và cả nước; và có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM thành một “cực” tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất của thành phố và khu vực.

Tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng

Việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TPHCM thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016), là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. Từ kết quả thí điểm, TP đánh giá, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.

Theo đánh giá, việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Có một số ý kiến băn khoăn khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của nhân dân sẽ được đảm bảo như thế nào? UBND TPHCM nhận định, nhân dân sẽ tăng cường tham gia hoạt động điều hành quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp, định kỳ tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri để đối thoại với lãnh đạo UBND. Qua đó, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền, tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.

Đặc biệt khi không tổ chức HĐND quận, phường thì chính quyền TP sẽ tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Việc giải quyết xử lý sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay do liên quan đến thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều cơ quan.

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc không tổ chức HĐND quận, phường gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, với việc không tổ chức HĐND quận, phường, TPHCM sẽ rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức hiệu quả hơn.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM PHƯƠNG THẢO: Phát huy hơn nữa sự năng động, sáng tạo

Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua. Hội nghị thẩm định do Bộ Nội vụ chủ trì, cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, có sự tham dự của lãnh đạo TPHCM.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã xem xét căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn, quá trình xây dựng đề án, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và cử tri về đề án. Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TPHCM, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hành chính quận, phường khi không có tổ chức HĐND…

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đã báo cáo thêm về cơ sở pháp lý và thực tiễn, những kết quả đạt được qua 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM đã phối hợp với các cơ quan, các cấp để đánh giá, so sánh với kết quả không tổ chức HĐND quận, phường giai đoạn trước để đề xuất trong đề án hiện nay. TPHCM cũng đã có 2 cuộc làm việc với Bộ Nội vụ để thảo luận và góp ý sâu hơn, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp mà thành phố đã đề ra, đồng thời đã gợi mở thêm những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung.

Vấn đề đặt ra khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, MTTQ TPHCM, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự phản ánh của khu phố, ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Việc tăng cường quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân và đẩy mạnh hoạt động giám sát còn thông qua các kênh, các phương tiện truyền thông nhằm công khai, minh bạch hơn nữa đối với người dân. Đặc biệt, còn có sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước cấp trên và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng.

Lần này, Hội đồng thẩm định nhất trí TPHCM không tổ chức thí điểm mà tiến hành thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những vấn đề chưa có trong luật sẽ được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội. Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nếu thực hiện ngay mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM cũng sẽ không vướng với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà ngược lại còn có nhiều thuận lợi, bởi TPHCM đã có kinh nghiệm 7 năm thực hiện thí điểm trước đó. Tuy nhiên, TPHCM cần rà soát lại những luật liên quan để tránh vướng mắc, đảm bảo thống nhất với hệ thống. Các thành viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua đề án và đề nghị cần nhanh chóng hoàn thiện để trình cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo chuẩn bị và được sự góp ý của các cơ quan Trung ương đến nay đã đạt được bước tiến quan trọng, mặc dù còn một số bước tiếp theo để trình Quốc hội. Khi được Quốc hội thông qua, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố sẽ tinh gọn, chế độ trách nhiệm rõ hơn, xử lý công việc nhanh và hiệu quả hơn, để thành phố phát huy hơn nữa truyền thống năng động, sáng tạo, giữ vững vai trò đầu tàu, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thành phố Anh hùng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM TRẦN HOÀNG NGÂN: Đóng góp nhiều hơn cho cả nước

Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Hội đồng thẩm định thông qua với số phiếu 100% cho thấy đề án của TPHCM đã được chuẩn bị khá công phu, đáp ứng được nguyện vọng người dân TPHCM.

Trước đây, TPHCM đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và cho thấy hiệu quả. Vấn đề đặt ra là đề án chính quyền đô thị không chỉ thuần túy là không tổ chức HĐND quận, phường, mà là tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, trong sắp xếp đơn vị hành chính, cùng với sắp xếp 19 phường, TPHCM có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức.

Để Đề án Chính quyền đô thị tại TPHCM phát huy tác dụng, đòi hỏi rất nhiều điều kiện đi kèm, như vấn đề về ngân sách Nhà nước để giải quyết các bài toán, các điểm nghẽn về kẹt xe, ngập nước, hạ tầng y tế, giáo dục… nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Ý thức được điều này, TPHCM đã trình Trung ương Đề án Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu làm sao tăng đóng góp cho ngân sách Trung ương, đồng thời cũng tăng ngân sách địa phương.

Năm 2019, TPHCM thu ngân sách khoảng 410.000 tỷ đồng, TPHCM chỉ để lại 80.000 tỷ đồng và chuyển về Trung ương 330.000 tỷ đồng. Điều đó thể hiện tinh thần TPHCM cùng cả nước, vì cả nước. TPHCM còn có 2 điểm sáng là về năng suất lao động (gấp 2,6 lần năng suất lao động chung cả nước) và thu ngân sách trên đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm (trung bình cả nước là 15 triệu đồng/người/năm). Trong khi đó, mức chi ngân sách ở TPHCM chỉ là 8-9 triệu đồng/người/năm. Điều đó có nghĩa là, TPHCM chi 1 đồng và thu tới 5 đồng. Điều đó cũng có nghĩa là đầu tư cho TPHCM rất hiệu quả, hệ số hơn 5.

Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TPHCM có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Covid-19 đã tác động mạnh đến sự phát triển của TPHCM và Covid-19 cũng làm nổi rõ bản chất trong sự phát triển của TPHCM. Giờ đây, các tỉnh, thành khác đã có bước phát triển. Đã đến lúc cần chăm chút cho đầu tàu kinh tế TPHCM, để TPHCM thực sự bứt phá.

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM LÊ MINH ĐỨC: Cử tri có thể gửi gắm nguyện vọng vào đại biểu HĐND TPHCM

Việc không tổ chức HĐND quận, phường có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của TPHCM trong việc xây dựng chính quyền đô thị, phù hợp với xu thế cải cách hành chính, nhất là giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, giảm ngân sách nhà nước, phát huy dân chủ trực tiếp tại cơ sở. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu bộ máy UBND quận, phường sẽ được phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hơn.

Một vấn đề đặt ra là khi không tổ chức HĐND quận, phường thì làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân, có “kênh” nào để người dân gửi gắm tâm tư nguyện vọng, để người dân thực hiện quyền giám sát? Khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, chúng ta không lo không có người đại diện cho nhân dân, vấn đề là ai đại diện? Nếu không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì HĐND TPHCM sẽ là cơ quan đại diện cho nhân dân thành phố. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân, thì cần tăng vai trò giám sát của các đại biểu HĐND cấp thành phố, đại biểu HĐND thành phố sẽ phải gần dân, sát dân hơn. Qua đó, giải quyết nhanh các vấn đề cử tri gửi gắm.

Đồng thời, khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến quận, phường cần chú trọng hơn công tác tiếp công dân. Theo tôi, hàng tháng, cấp quận nên tổ chức các hội nghị giao ban dư luận xã hội, tăng cường các cuộc tiếp công dân và đối thoại giữa chính quyền với nhân dân; cấp phường nên cử cán bộ, công chức tham gia các cuộc họp của tổ dân phố để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân.

Mai Hoa - Mạnh Hòa (SGGPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.