Liên tục lỗi hẹn
Sáng ngày 15/9, hàng trăm khách hàng đã kéo đến công trường dự án Hattoco 110 Trần Phú căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình giao cho chủ đầu tư mới có năng lực thực hiện tiếp dự án để bàn giao cho khách hàng.
Đi qua tuyến phố Trần Phú, Hà Đông, không ít người tiếc nuối khi nhìn thấy toà tháp chung cư Hattoco đã xong phần thô nhưng bị bỏ hoang nhiều năm liền. Cho đến thời điểm này, khi nhiều dự án khác dù triển khai sau đã về đích thì tòa chung cư Hattoco vẫn mịt mù ngày về.
Hattoco là tên thương mại của dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Công trình được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỉ đồng.
Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và batầng hầm. Từ tầng 1-6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn.
Theo dự kiến ban đầu, Công ty Ba Đình sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý 3/2013. Tuy nhiên, sau khi xây dựng đến tầng thứ chín, dự án bị dừng thi công do thiếu vốn.
Dự án Hattoco 10 năm mới chỉ xây xong phần thô.
Đầu năm 2013, chủ đầu tư chung cư Hattoco rầm rộ tuyên bố tái khởi động dự án và tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến quý 1/2016. Thế nhưng sau đó, dự án Hattoco tiếp tục nằm im bất động.
Anh Nhật (khách hàng) cho biết, đến nay đã có 300 người đóng tiền cho chủ đầu tư, trong đó có 150 người đóng tới 70% giá trị hợp đồng, các khách hàng còn lại đã đóng 50%. Mỗi căn hộ thời điểm 2009 có giá dao động từ 14 – 21 triệu đồng/m2.
Sau 10 năm thi công với nhiều lần lỗi hẹn bàn giao, hiện nay dự án được đổi tên thành Golden Millennium Tower. Hiện tại, tòa chung cư này đã xây dựng xong phần thô đến tầng 39 từ năm 2017, xong khung, bê tông, xây tường bao che, trát ngoài, chưa có thiết bị điện nước, phòng cháy chữa cháy.
Giám sát dòng tiền của khách hàng
Trong văn bản trả lời khách hàng ngày 7/3/2016, Công ty Ba Đình đã đưa ra lý do cho việc chậm trễ triển khai, bàn giao nhà, trong đó cho rằng, nhiều khách hàng chưa đồng lòng chia sẻ cùng chủ đầu tư vượt qua khó khăn. Một số khách đã đăng ký mua căn hộ, ký hợp đồng mua bán nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo tiến độ như đã cam kết trong hợp đồng.
Thêm nữa, chủ đầu tư cho rằng, việc lên phương án liên kết với một số đối tác cùng đầu tư vốn thực hiện dự án và vay vốn để hoàn thành việc xây thô đã thể hiện quyết tâm hoàn thành dự án của chủ đầu tư.
Ngày 7/4/2016, Công ty Ba Đình đã gửi văn bản yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng tiền đợt 2, đợt 3 từ ngày 7/4 đến 14/4/2016. Văn bản này cũng nêu rõ: “Trong trường hợp các quý khách hàng không đóng tiền theo thời hạn cuối cùng như trên, công ty chúng tôi đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán căn hộ (kể cả Hợp đồng góp vốn)”.
Chủ đầu tư cho rằng, nếu khách hàng không đóng tiền thì dự án không thể tiếp tục thi công vì thiếu vốn.
Hàng trăm khách hàng kéo đến công trường dự án Hattoco căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư thay chủ mới.
Tuy nhiên, ông Tuấn (ban đại diện khách hàng) cho biết: suốt 10 năm qua, khách hàng đã nhiều lần có văn bản đốc thúc và yêu cầu chủ đầu tư phản hồi về việc dự án chậm tiến độ nhưng hầu như chủ đầu tư không có câu trả lời, có một hai văn bản thì đe doạ khách hàng việc chấm dứt hợp đồng nếu không đóng tiền các đợt tiếp theo.
“Xét về phía khách hàng, chúng tôi có sai khi dự án xây đến tầng 39 thì phải đóng tiền đợt sau.Tuy nhiên cho đến giờ phút này, chúng tôi đã mất niềm tin vào chủ đầu tư. Họ đã nhiều lần lỡ hẹn, ai đảm bảo được sau khi chúng tôi đóng tiền, chủ đầu tư sẽ hoàn thành dự án”, ông Tuấn nói.
Anh M., khách hàng đã đóng 50% giá tri hợp đồng, cũng cho biết sau khi đóng tiền đợt 1, chủ đầu tư có xây đến tầng 3-4 (thời điểm này chưa đủ điều kiện để đóng tiền đợt tiếp theo) thì dừng đến tận năm 2015, quá thời hạn giao nhà hai năm mới xây tiếp. Lúc này, chủ đầu tư có động thái ép khách hàng qua một số văn bản, không nhận lỗi chậm tiến độ.
“Trong khi chúng tôi chỉ cần sự đồng thuận giữa hai bên, mong muốn chủ đầu tư tổ chức hội nghị khách hàng để thống nhất các phương án, đóng như thế nào, tiến độ ra sao và khi khách hàng đóng tiền thì ai sẽ bảo lãnh, giám sát nguồn tiền đó.
Được biết, giai đoạn 2008 - 2009, tiềm lực của doanh nghiệp bất động sản nằm phần lớn ở tiền khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật thời điểm đó chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, chưa có quy định về bảo lãnh đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư khi nhận tiền từ khách hàng phải đảm bảo tiến độ bàn giao cũng như xác minh năng lực chủ đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Để khắc phục, Bộ Xây dựng tính tới phương án khả dĩ hơn là Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1-7-2015) đặt ra yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở của chủ đầu tư.
Tuy vậy, quy định ngân hàng bảo lãnh dự án bất động sản cũng không có quy định hồi tố. Nghĩa là, các dự án bỏ hoang nhiều năm nay tái khởi động trở lại không nằm trong quy định này. Và nghiễm nhiên, thiệt hại, rủi ro vẫn thuộc về khách hàng.
Do đó, mong muốn của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Hattoco lúc này là nếu muốn khách hàng tiếp tục đóng tiền thì Công ty Ba Đình phải đáp ứng các điều kiện về đơn vị giám sát dòng tiền đó. Hoặc không, Công ty Ba Đình nên giao dự án cho một đơn vị có năng lực tiếp tục triển khai.
-
Lạ kỳ: Đất Hà Nội đắt đỏ, biệt thự xây xong bỏ hoang, nhếch nhác như “ổ chuột”
Hàng trăm ngôi biệt thự, liền kề ở khu đô thị Tân Tây Đô đã xuống cấp, nhếch nhách, cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, giá bán vẫn được rao lên đến gần chục tỷ đồng/căn...
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....