Khoảng cách không lớn, nhưng muốn đi từ Hà Nội đến Manilaphải qua sân bay Hongkong hay Tân Sơn Nhất. Dẫu phải vượt qua biển xa, nhưng rõ là đã nhìn ra nhiều bài họcgần gũi...

Những bài học gần gũi

Kiến trúc sư (KTS) ta hay bị hình ảnh hào nhoáng của Singapore ám ảnh. Có KTS làm công tác quản lý vẫn nói câu cửa miệng “định vẽ công trình hiện đại à, sao không thuê tư vấn Sing làm cho, tôi bết mấy văn phòng nổi tiếng lắm...”. Quy mô lớn hơn, có thành phố miền Trung đặt hẳn mục tiêu phấn đấu xây dựng giống như Singapore. Tuy vậy, một nhà nghiên cứu đô thị lâu năm đến từ Hawai (Hoa kỳ) chia sẻ: “Xây dựng một quốc gia thành phố rất khác với xây dựng một thành phố trong một quốc gia. Điều khác biệt lớn nữa là GDP của họ gấp 50 lần các bạn. Muốn tìm hiểu một bài học hữu ích thì hãy đến Manila –Thủ đô Philippines, ở đó có rất nhiều”.

Năm 1997, Daewoo (Hàn Quốc) giúp Hà Nội lập đề án “Hanoi new town” một thành phố mới bên bờ Bắc sông Hồng, đủ chỗ cho 1 triệu dân và chi phí đến 40 tỷ USD. Kế hoạch thì đã phá sản, nhưng tài liệu minh họa rất phong phú, ví dụ có ảnh chụp để hình dung viễn cảnh Hà Nội năm 2010 sẽ giống Bangkok năm 1990, giống Kulalumpur năm1980 hay Singapore 1970... Vậy mà không có cái so sánh nào với thủ đô Manila (Philippin).

Vượt biển xa để tìm ra bài học gần gũi

Thủ đô Manila- Philippin


Khi tới Manila, chúng tôi mới hay nơi đây đã từng là Thành phố hiện đại bậc nhất từ thập kỷ 60- 70. Khi sông ở Singapore còn đầy rác thải, Kulalumpur ngập úng, sân bay Bangkok còn là rừng chuối thì Manila đã có những công trình kiến trúc lộng lẫy, do cácKTS danh tiếng tu nghiệp tại Hoa Kỳ thực hiện. Nhiều đồ án quy hoạch tân tiến, mô hình nhà ở xã hội triển khai rầm rộ, những tuyến đường thẳng tắp đi về nông thôn, những sân bay, cảng biển lớn nhộn nhịp .... Vậy mà 40 năm sau Manila vẫn vật vã với giấc mơ “hóa rồng”!


Thành phố 12 triệu dân tắc đường triền miên, các công trình xây dựng lộn xộn xóa nhòa khoảng giãn cách giữa các đô thị vệ tinh, 17 thành phố dính vào nhau chằng chịt. Ô nhiễm nước thải, không khí ở mức cao, nhà ổ chuột thì nổi tiếng nhiều nhất khu vực.

Thế mới biết: Thành phố nào cũng sẵn những phương án xây dựng tương lai huy hoàng. Không thiếu các KTS sáng tạo ra những đồ án bắt mắt, nhưng để đạt được mục tiêu thì phải vượt biết bao trở ngại, gặp vô vàn trông gai, nhiều ngã rẽ .... và không phải nơi đâu cũng hội đủ điều kiện, sự can đảm và cơ may để vượt qua, vươn tới.... Vậy có bài học nào để Hà Nội và các đô thị Việt Nam tránh những vấp ngã, lạc lối đây?

Cơm áo không đùa với khách thơ

Đến Manila, tôi tá túc phố Ocampo, quận Malate- trung tâm Manila cổ. Kế bên là Viện Phật giáo to vật vã, giáp phía bên kia là khu ổ chuột, nơi tá túc cả trăm gia đình. Mỗi sáng lũ trẻ túa ra đường đầy vỉa hè.

Manila có nhiều tổ chức từ thiện làm nhà cấp không cho người vô gia cư. Từ những năm 1970, nhiều nghiên cứu nhà ở rẻ tiền, hay dự án nhà ở xã hội đã thử nghiệm rầm rộ.

Lịch sử đô thị hóa đã ghi nhận biết bao sự tiến hóa trong việc giải quyết nhà ở cho thợ thuyền. Có bao nhiêu bài học mẫu mực thì cũng có ngần ấy những giải pháp nửa vời. Nơi ăn chốn ở dân nghèo đô thị là sinh kế cơm áo, những kế hoạch lãng mạn cũng giống như KTS làm thơ ....mà “chuyện cơm áo không đùa với khách thơ” thì ai cũng thấu hiểu.... Đã nếm trải nhiều, giờ đây Manila đã có nhiều sáng kiến đem lại kết quả thực tiễn hơn.

Vượt biển xa để tìm ra bài học gần gũi

Để phát triển bộ mặt đô thị như hiện nay Manila đã trải qua nhiều sự kiện


Sát khu ổ chuột là chung cư “City Land”cao 28 tầng, có hàng trăm căn hộ <20m2, vệ sinh và bếp riêng, giá thuê 200 USD/ tháng. Tầng 1 là siêu thị mini, tầng thượng là nhà giặt, 8-10 thang máy, bảo vệ 24/24... nhưng không có gara. Chung cư luôn kín khách: gia đình trẻ, nhân viên ngoại tỉnh, sinh viên chọn nơi ở này. Tòa nhà khác có căn hộ45m2 -80m2, giá thuê 500-1.000USD/ tháng cũng sẵn. Nhiều người đến từ Trung Đông mang theo 1 triệu USD. Họ mua liền 6 căn hộ, cho thuê mỗi tháng thu 5.000 USD là sống khỏe. Người đầu tư có lãi, Ngân hàng lớn tài trợ, Chính phủ khuyến khích... Mô hình kinh doanh Win-Win này rất triển vọng, nhân rộng khắp TP.

Tại khu Global City đang phát triển khu ở sang trọng. Một CLB khiêu vũ lớn thu hút rất đông thanh niên tới hằng đêm – họ là khách hàng tiềm năng của dự án. Trục chính High Street có công viên nước, tầng 1 cả tuyến phố là chuỗi nhà hàng lung linh như Venice, Paris, tầng 2 -3 là căn hộ bán. Trung tâm của khu là chợ “Market Market” rau cỏ, củ quả, hoa lá bầy thật đẹp, món ăn rất ngon, thu hút cả Manila đến thưởng thức. Nơi dễ nhìn nhất đặt quầy giới thiệu dự án: đây là giai đoạn đầu, sẽ xây nhiều chung cư cao 30-40 tầng chung quanh có nhiều mức giá. Bao giờ đủ khách mua thì khởi công, còn bây giờ làm bãi đỗ ô tô hay trồng cỏ.

Trên đại lộ Roxas, có mấy dẫy nhà tạm khung thép, ván gỗ, mái tôn xếp ngay ngắn. Nhà vệ sinh, rãnh thoát nước, đường điện quy củ. Đó là dãy nhà ở cho công nhân. Tất nhiên là dựng tạm có thời hạn trên khu đất bỏ hoang, chưa dùng đến.

Trong hiện trạng nhiều khu đô thị tầm tầm đắp chiếu, la liệt khu nghỉ dưỡng sinh thái ế ẩm, chung cư cao cấp thấp thỏm chờ người mua, các nhà môi giới BĐS có lúc đã phát cuồng... Vậy thì chiêu thức của “Global City“rất đáng tham khảo. Còn những khu đất trống trong và ngoài TP – các dự án BĐS đắp chiếu, thời đóng băng bất động sản hẳn còn lâu. Nên chăng cũng lắp ghép các dãy nhà rẻ tiền, tồn tại có thời hạn cho công nhân, sinh viên, người nghèo thuê giá rẻ.

Từ Hà Nội đến Manila dẫu phải vượt qua biển xa, nhưng rõ là đã nhìn ra nhiều bài học gần gũi.

Theo Trần Huy Ánh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.