05/04/2024 3:21 PM
CTCP Đầu tư Thương mại SMC dự kiến dùng 730 tỷ đồng huy động để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Đặt mục tiêu có lãi trở lại

Bất động sản là lĩnh vực then chốt ảnh hưởng đến hàng chục ngành nghề khác. Chính vì vậy, sự suy yếu của lĩnh vực này kéo theo nhiều nhóm ngành khác, trong đó các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (thép, cát, đá, xi măng…) chịu ảnh hưởng không nhỏ. CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) cũng nằm trong trường hợp này.

Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật liệu xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu xây dựng miền Nam. Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty này niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là SMC.

Được biết, lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Không giống các công ty sản xuất thép lớn, khi vừa tiêu thụ thị trường nội địa, vừa xuất khẩu, SMC chủ yếu tập trung vào thương mại trong nước, khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư lớn.

Trong bối cảnh áp lực lãi suất cao, dòng tiền bị thắt chặt, hàng loạt chủ đầu tư gặp khó về dòng tiền ngắn hạn để thực hiện nghĩa vụ trả lãi/gốc trái phiếu đáo hạn, trả tiền cho nhà thầu xây dựng, SMC đang đứng trước những khó khăn chưa từng có trong suốt hơn 30 năm hoạt động.

SMC muốn phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 10.000 đồng/cp

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của SMC vừa công bố mới đây, doanh nghiệp này nhận định ngành thép năm năm tiếp tục khó khăn khi thị trường bất động sản chưa thể phục hồi tích cực trong khi các vấn đề về tín dụng vẫn đang là một áp lực không nhỏ. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thép nội địa.

Dù được hỗ trợ bởi đầu tư công và xuất khẩu thép có thể tích cực hơn cuối năm 2023, song lãnh đạo SMC cho rằng triển vọng phục hồi tích cực của các doanh nghiệp ngành thép vẫn cần thểm nhiều thời gian.

Theo đó, SMC đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức 13.500 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 925 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng sản lượng thép tiêu thụ năm nay là 900.000 tấn, giảm nhẹ 1% so với năm ngoái. Trong đó, thép dài là 350.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; thép dẹt là 550.000 tấn, giảm 7%.

Để đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo SMC cho biết sẽ tiếp tục chương trình tái cơ cấu toàn hệ thống trên tinh thần tinh gọn, đa nhiệm và linh hoạt. Trong đó, chú trọng cơ cấu, sắp xếp lại các hoạt động thương mại, gia công, sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn, các nguồn lực nhân sự…

Đồng thời, tập trung quản trị hàng tồn kho và mua hàng trên các nguyên tắc cẩn trọng, phù hợp, linh hoạt, dự trữ tồn kho tối ưu bám sát với diễn biến của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, kết hợp tăng cường quản trị kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ.

Năm 2023 vừa qua, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.786 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế lỗ 925 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối âm 163 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, SMC công bố nợ xấu đối với các khoản phải thu tới gần 1.284 tỷ đồng, trong đó đã tích lập dự phòng gần 574 tỷ đồng.

Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng). Đây đều là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán NVL).

Ngoài ra, danh sách nợ xấu của SMC còn có CTCP Hữu Liên Á Châu (17 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 460 tỷ đồng.

Muốn phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Về phương án phân phối lợi nhuận 2023, SMC dự kiến không chia cổ tức do năm vừa qua kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch đề ra. Dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn và cần tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động kinh doanh nên công ty cũng đề xuất không chia cổ tức cho năm nay.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của SMC. Nguồn: SMC

Tại buổi họp cổ đông sắp tới, doanh nghiệp dự kiến trình phương án phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần đang lưu hành.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn giá cổ phiếu SMC chốt phiên 4/4 (11.150 đồng/cp). Giá trị sổ sách căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 là 10.920 đồng/cp.

Theo đó, số tiền 730 tỷ đồng huy động được dự kiến để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Thời gian phát hành dự kiến là trong 2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Sau phát hành, vốn điều lệ của SMC dự kiến tăng từ 737 tỷ đồng lên 1.467 tỷ đồng.

Mới đây, HoSE đã có quyết định đưa cổ phiếu SMC vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Cũng trong ngày 3/4, HoSE quyết định đưa cổ phiếu SMC vào diện kiểm soát kể từ ngày 10/4 do doanh nghiệp này lỗ sau thuế 2 năm liên tiếp.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.