Trước những lời bào chữa của luật sư và các bị cáo trong phiên xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”, đại diện VKS khẳng định nếu gọi là 1 vụ án hình sự thì phải xem xét toàn diện vụ án chứ không bóc tách, cắt dán, xé lẻ để xem có phạm tội hay không.

Điện diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm tại tòa (hình: Báo đầu tư)

Tiếp tục phiên xét xử ngày 21/12, đại diện VKSND TP.HCM đối đáp quan điểm tranh luận của các luật sư trong phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".

Theo báo Người lao động, người thực hành quyền công tố thống kê các luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại đã nêu 56 ý kiến, trong đó nổi bật lên các nội dung là đề nghị chuyển tội danh của Nguyễn Thái Luyện thành "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo còn lại.

Người thực hành quyền công tố nói rằng VKS đã ghi nhận những điều trên để xem xét tính chất mức độ hành vi, vai trò của các bị cáo.

Đại diện VKS khẳng định nếu gọi là 1 vụ án hình sự thì phải xem xét toàn diện vụ án chứ không bóc tách, cắt dán, xé lẻ để xem có phạm tội hay không. Theo đó, vụ án này sẽ tập trung ở 3 vấn đề lớn: Có tội hay không, phạm tội thì là tội gì và vấn đề bị hại.

Lỗ hổng trong lập luận của Nguyễn Thái Luyện

Đại diện VKS cho biết, nhà nước nghiêm cấm sử dụng đất không đúng mục đích nhưng các bị cáo đã "vẽ" dự án dân cư bán cho người dân trên nền đất nông nghiệp, đất quốc phòng, đất giao thông, đất rừng phòng hộ mà không có đất ở (một số thửa lớn có 100-200m2 đất ở).

Luyện bào chữa hành động của mình trong đó việc phân lô, tách thửa để làm tăng giá trị đất đai trên cơ sở chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai của nhà nước.

Đại diện VKS trích dẫn luật, chứng minh lý lẽ của bị cáo Luyện là ngụy biện. Theo đó, đối với đất nông nghiệp, nhà nước khuyến khích đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ để bảo vệ, cải tạo tăng màu mỡ, khai hoang, không để đất trống đồi trọc…

Muốn chuyển đổi để lập dự án phải được sự cho phép của nhà nước, theo kế hoạch sử dụng đất mà trước tiên phải phát triển cơ cấu hạ tầng… chứ không phải tự phân chia lô, tách thửa, tự thay đổi mục đích sử dụng như cách bị cáo làm, để từ đó, bị cáo Luyện và luật sư của mình cho rằng hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất của bị cáo cho khách hàng là có căn cứ.

Đại diện VKS phản bác các lập luận của bị cáo Nguyễn Thái Luyện (hình: (hình: Nguyệt Nhi/PLO)

Tất cả các thửa đất cơ quan điều tra đang tiến hành kê biên là chưa có thửa đất nào được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vẫn là đất nông nghiệp, theo đó phải sử dụng đúng mục đích, không được sử dụng cho mục đích như cá bị cáo ký kế trên hợp đồng.

Trong 58 “dự án”, đại diện VKS tái khẳng định là các dự án không có thật vì không đủ điều kiện chuyển nhượng, không đúng quy hoạch, không được phê duyệt, không có bản vẽ 1/500, chưa đủ điều kiện bán theo quy định. Các bị cáo lập dự án, đặt tên, đưa ra tiêu chí, sử dụng truyền thông là thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích đoạt được tiền của các bị hại.

Lý lẽ của luật sư chưa chính xác

Ghi nhận của báo Đầu Tư, một số luật sư cho rằng, bị cáo bị bất lợi vì dự án chưa đến thời điểm kết thúc hợp đồng mà cơ quan điều tra khởi tố nên chưa kịp tất toán.

Đại diện VKS cho rằng lý lẽ này chưa chính xác. Thiệt hại xảy ra tại 58 dự án, có những dự án đã triển khai từ năm 2017 nhưng Alibaba vẫn không tất toán được. Thực tế, trong vụ án chỉ có 1-2 dự án chưa đến thời hạn cam kết trong hợp đồng, hơn 50 dự án còn lại đã hết thời hạn cam kết từ rất lâu.

Quan điểm của VKS là hành vi phạm tội của các bị cáo hoàn thành ngay sau khi đại diện Alibaba nhận đủ tiền của khách hàng, dù các dự án này đã đến thời hạn cam kết trên hợp đồng hay chưa đến thời hạn đều đã hoàn thành.

Luyện và nhiều luật sư dựa vào hai chữ “thỏa thuận” trên hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng để cho rằng đây là giao dịch dân sự, VKS xác định hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng chỉ là thủ đoạn để các bị cáo sử dụng để chiếm đoạt tiền từ bị hại. Bởi lẽ hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng hay chuyển nhượng thì hợp đồng đều cam kết giao sản phẩm không có thật là đất thổ cư.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa (hình: Vietnamnet)

Kết thúc phiên xét xử sáng 21/12, VKS cho biết cũng rất tâm tư vì các bị cáo còn trẻ, nhưng đã đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn, hậu quả của vụ án này để lại cực kỳ lớn, không chỉ ở số tiền mà phải bồi thường mà nó còn là hệ lụy cho cả xã hội và nó ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách quản lý đất đai của nhà nước.

“Một lần nữa VKS tái khẳng định, khi đề nghị mức hình phạt hoặc xem xét tội danh đối với các bị cáo, VKS đã dựa trên các cơ sở pháp lý, cân nhắc rất kỹ. Cho nên đại diện VKS giữ nguyên toàn bộ quan điểm như bản luận tội, với những ý kiến VKS đã đề nghị, kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét lại”, đại diện VKS nói.

  • Vụ Alibaba: Bạo bệnh và gia cảnh đáng thương của Nữ kế toán trường

    Vụ Alibaba: Bạo bệnh và gia cảnh đáng thương của Nữ kế toán trường

    Luật sư bào chữa cho Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) mong HĐXX cho bị cáo hưởng án treo đối với tội danh “rửa tiền” do hoàn cảnh khó khăn: xuất thân trong gia đình nghèo khó, cha mất sớm, mẹ bị cáo đã già, bị cáo phải lo toan toàn bộ việc trong gia đình, khi giải quyết vụ án, bị cáo phát hiện mình mắc bệnh ung thư.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.