Giới thạo tin đang kháo nhau chuyện một đại gia trong làng bất động sản đàm phán với ngân hàng Đức vay hàng trăm triệu USD đầu tư cho dự án trung tâm thương mại cao cấp tại Hà Nội.

Thông tin này chưa được các bên liên quan khẳng định, nhưng cũng ít nhiều gây chú ý. Kể từ khi lãi suất trong nước tăng vọt và vượt xa tới cả chục lần so với thế giới, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn nôn nóng tìm kênh huy động vốn mới. Với mặt bằng lãi suất USD trên thế giới hiện dưới 1%, cộng với các khoản phát sinh, chi phí vay thực tế về Việt Nam khoảng 3-4%, doanh nghiệp vẫn lợi hơn nhiều khi vay trong nước. Hơn nữa, các nguồn vốn nước ngoài đa phần đều là trung, dài hạn, trong khi ngân hàng trong nước chủ yếu cho vay ngắn hạn.

Vincom là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân phát hành thành công trái phiếu ở nước ngoài. Năm ngoái, công ty phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ở Singapore và đang làm thủ tục chuyển đổi thành cổ phiếu cho những trái chủ có nhu cầu. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Khắc Hiệp lý giải, là nhà đầu tư bất động sản cao cấp, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu của mình và các nguồn khác trong nước, công ty cần huy động thêm từ nước ngoài để phát triển các dự án lớn với quy mô tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

"Trong năm nay, chúng tôi đã có đủ nguồn vốn cho các dự án của mình. Nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc, giới thiệu mình với các định chế tài chính nước ngoài, để có phương án huy động vốn dưới các hình thức khác nhau khi cần", ông Hiệp cho VnExpress.net biết.

Cơ quan giám sát lo ngại dòng vốn nóng làm méo mó thị trường tiền tệ. Ảnh: Hoàng Hà
Cơ quan giám sát lo ngại dòng vốn nóng làm méo mó thị trường tiền tệ. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Hiệp cho biết thêm, để vay được vốn nước ngoài, doanh nghiệp phải chứng minh dự án khả thi, có tình hình tài chính lành mạnh, được nhiều công ty kiểm toán quốc tế độc lập, các công ty luật nước ngoài nghiên cứu kỹ càng từ quản trị doanh nghiệp, tổ chức công ty, tuân thủ pháp luật…

Điểm khó nhất của các doanh nghiệp trong nước khi vay vốn nước ngoài đó chính là tài sản thế chấp. Theo quy định hiện hành, việc dùng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp sẽ không có ý nghĩa nếu dự án có vấn đề, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ. Bởi khi đó, thì chủ nợ nước ngoài không thể xiết nợ bằng cách tịch biên và phát mãi tài sản.

Hơn nữa, mỗi năm chỉ có một hạn mức vay nợ nước ngoài nhất định dành cho khối doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào đó để cân đối với nhu cầu vay thực tế.

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay một số ngân hàng cổ phần và tập đoàn tư nhân đang dạm hỏi thủ tục vay, bên cạnh chương trình phát hành trái phiếu quy mô lớn của các công ty nhà nước.

Trước đây, trong tổng hạn mức vay nợ nước ngoài dành cho doanh nghiệp hằng năm, các doanh nghiệp Nhà nước vay nhiều nhất và chiếm đa số, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu. Phần nhỏ còn lại, chiếm 70% là của khối đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phần vay của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không đáng kể.

"Về cơ bản, vay nợ nước ngoài là một hoạt động bình thường và cũng thuận cho doanh nghiệp, vì lãi suất cũng như kỳ hạn vay tốt hơn. Tuy nhiên, nếu xu hướng này gia tăng đột biến, sẽ ảnh hưởng tới ngưỡng an toàn nợ quốc gia", một quan chức Ngân hàng Nhà nước bình luận. Vị quan chức này cho biết thêm từ đầu năm tới nay, xu hướng vay nước ngoài có tăng cao nhưng chưa đột biến.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia gần đây cũng liên tục cảnh báo nguy cơ nếu vay nợ nước ngoài tăng cao, đặc biệt là dòng vốn vay ủy thác đầu tư. Nếu như cơ quan quản lý Nhà nước có thể dùng hạn mức hằng năm để kiểm soát lượng vốn doanh nghiệp vay trực tiếp nước ngoài, thì phần vay ủy thác qua ngân hàng lại không nằm trong "quota" này.

Theo thống kê của Ủy ban, tổng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng so với tổng số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. "Điều này cho thấy ít nhất một lượng vốn tương đương 40.000 tỷ đồng, tức hơn 2 tỷ USD đã được chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam", Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy trao đổi với VnExpress.

Theo phỏng đoán của ông, do lãi suất tiền đồng dâng cao, doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ, và khi nhu cầu vay không thể đáp ứng bằng nguồn cung trong nước, nhiều khả năng các ngân hàng đã tìm đến nguồn nước ngoài để cho doanh nghiệp vay. Ông cho biết thêm, Ủy ban đã nhìn thấy dấu hiệu tăng nóng từ tháng 4-5 và cảnh báo với Thủ tướng.

Chia sẻ mối lo ngại này, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng dòng vốn vay ủy thác đầu tư này vào Việt Nam chủ yếu để tìm kiếm lợi nhuận nhờ sự chênh lệch lãi suất.

"Hiện chưa có rủi ro, vì khoảng vênh lãi suất còn lớn, và số tiền 2 tỷ USD chưa phải là nhiều. Nhưng nếu lượng tiền vay lớn lên tới 10 tỷ USD, và lãi suất thế giới biến động, thu hẹp khoảng cách với Việt Nam, dòng vốn nóng này sẽ đột ngột rút ra, đe dọa an toàn tài chính của Việt Nam", ông Lược nói.

Theo ông, khi dòng vốn ủy thác vào Việt Nam sẽ phải đổi ra tiền đồng để đầu tư, kinh doanh, gây tăng cung ngoại tệ tạm thời trên thị trường. Nhưng khi dòng vốn này rút ra, gây nên tình trạng khan cung đột ngột, đẩy tỷ giá lên cao, méo mó thị trường.

"Đáng ngại hơn, dòng vốn nóng này chủ yếu đầu tư vào thị trường bất động sản và chứng khoán, nên khi rút ra, sẽ khiến các thị trường này chao đảo, thậm chí gây đổ vỡ, giống như bài học đã xảy ra ở Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998", ông Lược nói.

Trước thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 1997-1998, dự trữ ngoại hối quốc gia của Thái Lan vào khoảng trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, khi dòng vốn ngoại rút ra, kho ngoại tệ dự trữ của nước này cạn kiệt, Thái Lan buộc phải thả nổi đồng baht, gây náo loạn trên các thị trường tài chính, bất động sản.

Theo ông Lược, đồng tiền Việt Nam hiện chưa chuyển đổi tự do, hoạt động chuyển vốn cũng bị hạn chế, không tự do như Thái Lan, nhưng nếu không kiểm soát tốt, rủi ro và hậu quả là khó lường.

Cafeland.vn - Theo Vnexpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland