CafeLand - Trong báo cáo “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách”, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) dự báo trong giai đoạn 10 năm tới (2020-2030), thị trường bất động sản sẽ có bước nhảy vọt về cả quy mô tài sản lẫn giá trị tăng thêm.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, báo cáo đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỉ USD/986,82 tỉ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỉ USD/2.183,09 tỉ USD) và đến năm 2030 là 22% (1.232,29 tỉ USD/5.601,31 tỉ USD).

Về dự báo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản, nhóm nghiên cứu cho biết năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt khoảng 485 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,7 % GDP; năm 2025 ước đạt gần 1.250 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt khoảng 3.429 nghìn tỉ đồng, chiếm 13,6% GDP.

Như vậy, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn nay tăng lên 9 lần.

Nhóm nghiên cứu báo cáo này cho hay, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng, phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019).

Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỉ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỉ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỉ đồng; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1 tỉ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỉ đồng và 0,12 tỉ đồng đến giá trị tăng thêm.

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%, GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; du lịch giảm 0,352%; dịch vụ khác giảm 0,348%; ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác giảm 0,210%…

Nhóm nghiên cũng đưa ra dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm: về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; về tín dụng; về lĩnh vực thuế; về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; về tiền ký quỹ dự án đầu tư.

Được biết, sau khi công bố đề tài này, VNRea sẽ gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, cùng một số bộ ngành khác nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VnREA, cho rằng khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, chính là dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế như kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, trong đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.

Do đó, ông Chiến cho rằng việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức cần thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị - xã hội thời gian qua.

TS. Võ Trí Thành nhận định, báo cáo là một nghiên cứu đủ sâu, có thể góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức, thay đổi cách nhìn vốn còn phiến diện về bất động sản và thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.