22/10/2013 8:30 PM
Liên tiếp trong vài năm qua, vấn đề lấn chiếm hồ Đại Lải và các vùng lân cận của hồ Đại Lải trở thành niềm bức xúc của nhiều người dân của thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hàng chục cuộc tiếp xúc cử tri tại địa bàn thị xã Phúc Yên, các cuộc hội nghị lớn của tỉnh đã có nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng phức tạp, sai trái này. Mỗi lần có ý kiến, đại diện ngành chức năng và các cấp chính quyền đều hứa sẽ quyết tâm ngăn chặn, dẹp bỏ nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa có biện pháp đủ sức răn đe, ngăn chặn hiệu quả.

Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn hai xã Ngọc Thanh và Cao Minh thuộc thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc. Hồ Đại Lải rộng hơn 500ha với tổng dung tích 34,5 triệu m³ ở mức cốt tràn của đập là 23m, hồ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn hécta đất canh tác của huyện Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên và huyện Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội); hồ có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này.

Sau thời gian dài khu vực hồ được đưa vào khai thác du lịch và hiện nay khu vực hồ là khu nghỉ dưỡng và du lịch xanh với hàng loạt khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí bao quanh vùng hồ. Lòng hồ và vùng hồ Đại Lải có cảnh quan đẹp bởi non xanh, nước biếc quanh năm, khí hậu thoáng mát nên có rất nhiều người muốn có một mảnh đất ở khu vực này kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn...

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã cho phép một số doanh nghiệp, nhà đầu tư cải tạo vùng bán ngập nước của hồ Đại Lải để kinh doanh. Tuy vậy, có không ít trường hợp đã lợi dụng đổ đất tràn xuống lòng hồ, vượt xa chỉ giới đã xác định cho phép của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, có dự án lấn hàng trăm, thậm chí háng hàng ngàn m2 so với quy định.

Việc xâm lấn hồ diễn ra trên diện rộng, không chỉ đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân kéo dài hết năm này qua năm khác chưa được ngăn chặn hiệu quả. Chính quyền địa phương được chứng kiến và dễ phát hiện nhất nhưng không dám ngăn chặn vì cho rằng đây là án cấp trên quyết định, phê duyệt. Một số sở ban, ngành của tỉnh cho rằng trách nhiệm ngăn chặn thuộc về chính quyền cơ sở vì tai mắt chính quyền cơ sở ở gần nơi xảy ra sự việc.

Nhiều đồi núi xunh quanh hồ Đại Lải cũng bị khai thác đất nham nhở để đem san lấp các nơi ảnh hưởng đên cảnh quan chung của khu vực du lịch. Việc khai thác đất đồi núi trái phép trên diện rộng gây xói mòn đất, xe ôtô quá khổ, quá tải "bắt" nát đường giao thông nông thôn, các trục tỉnh lộ... khiến cho người dân bức xúc.

Mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết về tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, trong đó có nêu công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa sát thực tế, chất lượng quy hoạch chưa cao; một số dự án vi phạm về quy hoạch, xây dựng không có chứng chỉ quy hoạch, không có hoặc không đúng giấy phép xây dựng; tình trạng lấn chiếm, sử dụng vượt diện tích giao, sử dụng không đúng mục đích diễn ra phổ biến ở cơ sở; các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng mua bán trái phép diễn ra phức tạp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi nào các cấp chính quền, ngành chức năng có giải pháp mạnh đủ sức răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình xâm lấn đất đai, mức độ nặng đưa ra truy tố mới chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi./.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.