Ngày 7-8, Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ), Bộ TN&MT đã lập đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc tại một số dự án liên quan đến việc khai thác cảnh quan tự nhiên hồ Đại Lải có dấu hiệu xâm lấn mặt hồ.
Giải thích của Vĩnh Phúc…
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết quanh hồ Đại Lải có một số dự án đã triển khai từ nhiều năm trước. Trước khi giao đất, Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo ông Giang, đất được giao đúng, diện tích đúng, riêng hồ Đại Lải thì bị thất lạc mốc giới, đến bây giờ không tìm được. “Phải có mốc giới thì mới biết ai lấn ai. Tôi không biết mốc giới (hồ Đại Lải - PV) bao nhiêu nhưng diện tích UBND tỉnh thu hồi không phải của hồ. So diện tích ban đầu với vừa rồi thì trùng nhau, tức là không lấn chiếm” - ông Giang nói.
Ông Giang cũng cho rằng một số hình ảnh báo chí sử dụng gây hiểu lầm. Thực tế, vị trí đó trước đây là đồi Thai Mạ, diện tích 41 ha, vừa được doanh nghiệp hạ cốt để triển khai tiếp phần dự án đã được phê duyệt. Ông Giang khẳng định: “Phần này hoàn toàn nằm trong mốc giới đất mà tỉnh giao, chứ không phải lấn chiếm mặt hồ”.
Một dự án có hoạt động san lấp tại khu vực hồ Đại Lải. Ảnh: Phong Việt
… Vênh với Tổng cục Thủy lợi?
Giải thích của tỉnh Vĩnh Phúc như vậy nhưng theo Kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20-2 của Tổng cục Thủy lợi thì các vi phạm trong ba dự án được mô tả như sau:
Dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải: Kiểm tra hiện trường, công ty đang thi công đổ đất vào lòng hồ (trong phạm vi đất được giao), theo mốc ranh giới đất, từ mốc 217 đến mốc 243, chiều dài khoảng 700 m, chiều cao san lấp từ 2 m đến 3 m (cao trình từ 19,7 m đến 21,5 m). Chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
Dự án khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng: Hạng mục khu biểu diễn nghệ thuật đã đắp đất ngăn hồ, làm đường nội bộ dài 190 m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2 ha. Chưa có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Nhiều dự án vào tầm ngắm kiểm traĐoàn kiểm tra của Tổng cục QLĐĐ những ngày này đang phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thực địa. Đối tượng kiểm tra không chỉ ba dự án Tổng cục Thủy lợi nhắc đến mà còn mở rộng tới hai dự án sân golf: Golf Đại Lải và Heron Lake Golf Camp & Resort, khu Đầm Vạc. Hai sân golf này cùng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cách nhau gần 20 km, đều gắn với cảnh quan ao hồ, có giá trị cao về khai thác bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự sang trọng. |
Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến: Đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao), từ khoảng cao trình +19,0 m đến +21,7 m, đã trồng cây cảnh, làm đường dạo bằng bê tông ven hồ. Chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bao gồm cả giấy phép xả thải.
Tổng cục Thủy lợi cũng đánh giá việc giao, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, bao gồm phần tôn nền để xây dựng công trình đã làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ, đồng thời ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ. Việc này là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thủy lợi, một lần nữa bảo vệ kết luận kiểm tra này. Ông Long nói: “Nếu doanh nghiệp không lấn thì tại sao họ lại ký biên bản vi phạm?”.
Cũng theo ông Long, sau khi kiểm tra, Tổng cục Thủy lợi đã có ý kiến đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc rà soát. “Nay nếu có ý kiến khác nhau thì để Tổng cục QLĐĐ vào cuộc” - ông Long nói.
Còn Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết tỉnh đang phối hợp tích cực với Tổng cục QLĐĐ để làm rõ vấn đề gây tranh cãi này. “Khả năng trong vài ngày tới sẽ có kết quả để chuẩn bị báo cáo đầy đủ với Thủ tướng” - ông Giang cho biết.
Giải thích của doanh nghiệpTheo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó hơn một năm, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã thanh tra việc quản lý, sử dụng đất ở khu vực hồ Đại Lải. Kết luận ngày 2-1-2019 của cơ quan này cho biết có 15.599 m2 hồ bị lấn chiếm. Vi phạm chủ yếu thuộc về dự án đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến. Chúng tôi đã đi ghi nhận thực tế dự án này và được đại diện Đạt Tiến xác nhận có tiến hành một số hoạt động như kết luận của Tổng cục Thủy lợi. Tuy nhiên, Đạt Tiến cho rằng phần diện tích khoảng 15.000 m2 mà Sở TN&MT tỉnh quy kết lấn chiếm là không đúng bản chất. Lý do đó là phần đất lưu không, rìa xung quanh đảo Ngọc. Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho doanh nghiệp thi công từ cốt 20, trong khi bên thủy nông đề nghị chỉ sử dụng từ cốt 21,5. Phần chênh lệch 1,5 m ấy lúc nổi, lúc chìm theo mùa nên Đạt Tiến xây kè, làm đường, trồng cây chống xói lở. Hiện nay, mặc dù việc xây kè, làm đường đã xong nhưng hằng năm, khi nước lên cao, đoạn đường này vẫn ngập trong nước… “Chúng tôi sai khi đã thi công mà không có văn bản thông báo xin phép cơ quan chức năng. Nhưng đề nghị tỉnh cho chúng tôi quản lý nốt diện tích đó, như một phần cảnh quan bao quanh đảo Ngọc. Doanh nghiệp cam kết không xây dựng công trình nào khác trên phần rìa đảo ấy nữa” - đại diện Đạt Tiến cho biết. |
-
Bộ Tài nguyên & Môi trường kiểm tra hai dự án sân golf Đại Lải và Đầm Vạc
CafeLand - Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) vừa ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại hai dự án: Dự án sân golf Đại Lải và dự án sân golf sân golf Đầm Vạc.
-
Doanh nghiệp nào đứng đầu danh sách nợ thuế tỉnh Vĩnh Phúc?
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc vừa thực hiện công khai danh sách 102 doanh nghiệp nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với số tiền gần 500 tỉ đồng.
-
Vĩnh Phúc thông xe cầu vượt gần 500 tỷ đồng, xoá nghẽn ở nút giao thông quan trọng
Dự án cầu vượt Nguyễn Tất Thành có 8 nhịp (2 nhịp chính và 6 nhịp dẫn), sử dụng công nghệ dây văng, trụ tháp cách điệu; bề rộng cầu 22,5m; tổng mức đầu tư dự án là 488 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công ngân sách cấp tỉnh....
-
Khu công nghiệp sát cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng vốn đầu tư lên 6.300 tỷ đồng, gấp 7 lần mức cũ
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vừa công bố, KCN Thái Hoà – Liễn Sơn – Liên Hoà (khu vực II – Giai đoạn 1) được nâng vốn lên 6.361 tỷ đồng, tương đương khoảng 275 triệu USD, gấp 7 lần so với mức vốn đầu tư cũ là 914 tỷ đồng....