14/09/2022 8:14 AM
Với quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo cơ sở cho việc hình thành nên các "dự án ma", các vụ việc lừa đảo khách hàng.

Tại Lâm Đồng, nhiều trường hợp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản (Ảnh minh họa)

Đất tách thửa thành đất dự án

Tại Lâm Đồng, đã có nhiều trường hợp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản.

Việc làm này đã gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Trong khi đó, UBND huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn.

Những vi phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện. Cùng với đó là ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Không riêng gì Khánh Hòa và Lâm Đồng, Thanh tra tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện Đồng Phú, huyện Chơn Thành.

Theo đó, trên địa bàn huyện Chơn Thành có tình trạng các đơn vị kinh doanh bất động sản tự thiết kế, vẽ bản đồ quy hoạch, tự đặt tên các dự án khu dân cư để quảng cáo, chào bán đất đã tách thửa.

Thanh tra tỉnh Bình Phước cho rằng quy định tách thửa đất nông nghiệp như quy định hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung để hạn chế những trường hợp lợi dụng để tách một thửa đất thành rất nhiều thửa nhỏ, sau đó quảng cáo thành các dự án dân cư để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Nhiều người sập bẫy “dự án ma”

Ngày 8/9 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thành, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2020 - 2022, ông Châu đã có hành vi gian dối cung cấp thông tin không đúng sự thật đối với dự án Khu đô thị hỗn hợp DL-2 tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cụ thể, Công ty Việt Thành không phải là chủ đầu tư, nhưng ông Châu đã thuê công ty tư vấn marketing, làm sa bàn dự án, thiết kế các căn nhà liền kề rồi đăng lên mạng xã hội Facebook và một số báo… giới thiệu, quảng cáo dự án với tên thương mại là Oriana Residences.

Công ty này quảng cáo gian về dự án để huy động tiền góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với 59 lượt khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 41 tỉ đồng.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thành, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Do đâu mà xuất hiện các "dự án ma"?

Ngày 29/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẳy tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số tồn tại, bất cập cần tập trung tháo gỡ như, quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma”, các vụ việc lừa đảo khách hàng.

Mặt khác nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thông tin về thị trường bất động sản, đồng thời xảy ra tình trạng thất thu thuế, thất thu cho ngân sách nhà nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có). Cùng với đó là kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.