Một trong những lý do chính để sống và làm việc tại thành phố là cơ hội phát triển và sự thuận tiện nhờ hệ thống tiện ích phong phú. Do đó, dù có nhiều dự đoán rằng các văn phòng vật lý sẽ bị thay thế bởi xu hướng làm việc trực tuyến, các không gian làm việc tại thành phố vẫn phát triển hơn bao giờ hết. Thành phố vẫn được coi là mảnh đất vàng để kinh doanh, sáng tạo, tương tác và trao đổi thông tin với hàng loạt ý tưởng mới, điều khó có được nếu chỉ làm việc một mình tại nhà.
Co-working đã phát triển tại Mỹ từ rất sớm, đi đầu bởi WeWork. Công ty này ký hợp đồng dài hạn với các chủ sở hữu và cung cấp không gian làm việc trong các văn phòng đơn giản và được trang bị hiện đại. Mô hình văn phòng này đã thay đổi trải nghiệm của khách hàng, giúp họ dễ dàng cộng tác, cởi mở, chia sẻ kiến thức và sáng tạo hơn.
Với việc các công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường, quy mô giao dịch co-working đã tăng lên đáng kể trên toàn cầu. Số lượng khách thuê co-working trên toàn thế giới ước đạt 3,8 triệu vào năm 2020.
Co-working tiếp tục bùng nổ tại châu Á
Các công ty hoạt động tại châu Á đang nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của các thế hệ trẻ như millennials và Gen Z trong việc định hình nơi làm việc. Trong khi các thế hệ cũ coi trọng việc có phòng riêng và được đảm bảo công việc lâu dài, thì người lao động trẻ lại theo đuổi các ưu tiên khác như cân bằng công việc - cuộc sống và giờ làm việc linh hoạt.
Co-working cho phép các công ty đa quốc gia tại châu Á, vốn đang là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, linh hoạt trong việc tăng hoặc giảm quy mô một cách nhanh chóng. Phần lớn khách hàng là các công ty thuộc nhóm đổi mới hoặc công nghệ. Các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng có nhiều lựa chọn mở rộng hơn khi kết hợp mô hình văn phòng chính và các văn phòng linh hoạt.
Nhờ đó, trong 3-4 năm gần đây, co-working liên tục phát triển mạnh mẽ tại châu Á, góp phần đáp ứng nhu cầu văn phòng khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và giá thuê văn phòng tại các trung tâm trở nên đắt đỏ. Có thời điểm, cứ vài tháng lại có thêm một nhà cung cấp co-working được thành lập. Co-working hiện đang phát triển theo cấp số nhân ở Trung Quốc - hiện đã có hơn 500-600 địa điểm tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Mô hình này cũng lan rộng sang các đô thị khác tại châu Á như Singapore, Hồng Kông, Seoul, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Giá thuê thấp, doanh thu cao
Co-working cung cấp chỗ làm việc linh hoạt với trang bị tốt tại các địa điểm trung tâm trong thành phố cho khách hàng. Đồng thời, mô hình này mang lại lợi suất tốt hơn cho nhà phát triển nhờ giảm chi phí đầu tư.
Mặc dù chi phí cho mỗi không gian tại co-working thường thấp hơn so với các văn phòng truyền thống, doanh thu trên mỗi mét vuông và phân khúc của mô hình này lại cao cấp hơn. Đó là vì kiến trúc mở của co-working giúp giảm diện tích tính trên đầu người và chi phí phát triển. Do đó, co-working có thể cung cấp không gian làm việc có giá cả phải chăng nhưng lại ở vị trí đắc địa tại các thành phố.
Tại Thượng Hải, một chiếc bàn làm việc tại co-working thường có giá từ 300 USD đến 450 USD, phải chăng và linh hoạt hơn so với các lựa chọn khác. Tại Hồng Kông, mức giá vào khoảng 920 USD, thấp hơn 10% so với văn phòng riêng dành cho một người.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển thường cung cấp nhiều gói dịch vụ hấp dẫn như “hot desk” (chỗ ngồi linh hoạt trong không gian làm việc chung), “dedicated desk” (chỗ ngồi cố định với bàn riêng và tủ đồ), hay các không gian lớn hơn cho cả nhóm làm việc trả phí theo tháng hoặc trong ngắn hạn.
Khi ký hợp đồng với các nhà cung cấp co-working, công ty hoặc cá nhân sẽ trở thành thành viên của một mạng lưới văn phòng tọa lạc tại nhiều địa điểm khác nhau. Họ có thể sử dụng không gian làm việc ở nhiều nơi hơn. Họ cũng không cần ký hợp đồng dài hạn hay mất chi phí vốn ban đầu để mua sắm đồ đạc cho văn phòng. Đối với các start-up, co-working có thể mang lại cơ hội kết nối hay các nền tảng trực tuyến để trao đổi dịch vụ và tiếp cận với các nhà đầu tư và cố vấn giàu kinh nghiệm.
Tất nhiên, thời gian thuê ngắn và tính linh hoạt cũng có mặt trái. Vì các nhà khai thác co-working ký hợp đồng thuê dài hạn từ chủ nhà, họ có thể thiệt hại lớn nếu nhu cầu thuê từ khách hàng giảm mạnh. Về phía chủ nhà, họ dễ mất quyền kiểm soát đối với khách thuê vì phải thông qua nhà khai thác. Do đó, chủ nhà cần thận trọng trong việc lựa chọn nhà khai thác/ nhà điều hành để có thể bổ sung tốt nhất cho những khách thuê hiện có trong văn phòng của mình.
Về dài hạn, khi những người trẻ tuổi chú trọng hơn đến các vấn đề về sức khỏe và môi trường, thì các tiện ích như máy lọc không khí, phòng tập thể thao, hay các thiết bị tiết kiệm năng lượng sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc quyết định giá trị của các co-working.
-
Gần 50% khách hàng muốn tăng diện tích thuê, thị trường văn phòng linh hoạt đứng trước cơ hội lớn
Gần một nửa số khách thuê văn phòng dự định sẽ tăng cường sử dụng các không gian linh hoạt kể từ năm 2022.
-
Thị trường văn phòng Việt Nam hưởng lợi từ tăng trưởng offshoring
Việt Nam được đánh giá là thị trường gia công tốt thứ 7 toàn cầu. Theo Statista, doanh thu thị trường offshoring của nước ta dự kiến đạt 0,84 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024 – 2028 là 8,78%....
-
Thị trường văn phòng Việt đang bắt kịp với văn phòng quốc tế như thế nào?
Tiệm cận với các xu hướng quốc tế là điều phổ biến và tất yếu đối với các dự án bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc văn phòng hạng A.
-
“Ngày tàn” của mô hình kinh tế chia sẻ đã điểm?
Tình hình kinh doanh ảm đạm kéo dài và nộp đơn xin bảo hộ phá sản của những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản theo đuổi mô hình kinh tế chia sẻ, như WeWork và Airbnb, dường như đang báo hiệu giai đoạn suy tàn của một mô hình từng được kỳ vọng sẽ ...