Ngoại trừ 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (nằm trong giai đoạn 1 - BOO1), tiến độ triển khai Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm BOT đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến hoàn tất trước ngày 31/12.

Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, ngoài 4 dự án nêu trên, có 8 trạm không đủ điều kiện lắp đặt thu phí tự động không dừng (thuộc giai đoạn 2 - BOO2), gồm 2 trạm doanh thu quá thấp là Mỹ Lợi và Thái Hà; 3 trạm thu phí đang báo cáo Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách là trạm Quang Đức trên QL14, Thái Nguyên - Chợ Mới trên QL3, trạm T2 trên QL91 và 3 trạm khác trên QL51 thời gian thu phí còn dưới 3 năm nên việc lắp đặt sẽ không hiệu quả, Bộ GTVT đang báo cáo Thủ tướng không hoặc chưa thực hiện.

"Vướng mắc lớn nhất hiện tại chỉ nằm ở các dự án của VEC. VEC đã đề xuất 3 phương án: Thứ nhất là sử dụng ngân sách Nhà nước để lập dự án thu phí không dừng riêng. Phương án 2 là sử dụng nguồn thu phí từ các dự án của VEC để đầu tư thiết bị vận hành và kết nối dữ liệu với nhà cung cấp dịch vụ ETC. Phương án 3 là thuê các nhà đầu tư thực hiện vận hành toàn bộ hệ thống, VEC sử dụng một phần chi phí duy tu bảo dưỡng hằng năm để chi trả phí dịch vụ thu phí không dừng", ông Lê Kim Thành cho biết.

Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan khác hoàn thiện phương án tổng thể về tái cơ cấu VEC, trong đó có nội dung giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn đầu tư thu phí không dừng các dự án của VEC.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Đến thời điểm này, 44 trạm thuộc dự án giai đoạn 1 (BOO1) đã cơ bản vận hành thương mại ở hai làn mỗi chiều xe chạy. Đối với dự án giai đoạn 2 (BOO2) đang triển khai đồng loạt ở 25 trong tổng số 33 trạm. Tiến độ đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra, đến ngày 31/12 cơ bản các trạm sẽ thu phí tự động không dừng.

Với 4 tuyến đường VEC đang quản lý, ông Huyện thông tin thêm, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa quyết định nguồn vốn cũng như giải pháp thực hiện của 4 trong 5 dự án của VEC khiến các dự án của VEC không hoàn thành được đúng hạn định theo chỉ đạo.

"Thẩm quyền quyết định nguồn vốn thực hiện các dự án của VEC là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Khi có nguồn vốn, trong 3 tháng sẽ hoàn thành lắp đặt và vận hành thu phí không dừng các dự án của VEC", ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Kết nối liên thông

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay có khoảng 1 triệu xe dán thẻ. Trong khi trước đây chỉ có 10% người dân nạp tiền sử dụng dịch vụ thì nay đã tăng lên hơn 40%.

"Có thể thấy, lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải đã thấy được lợi ích của thu phí tự động không dừng. Tới đây, sau tháng 12, các trạm do địa phương quản lý cũng hoàn thành thu phí không dừng và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ. Toàn bộ hệ thống đường bộ có trạm thu phí sẽ được kết nối liên thông, khi đó lượng xe dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ sẽ tăng theo", ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.

Về việc kết nối tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: Tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân cũng sẽ được kết nối như ví điện tử tạo thuận tiện cho người dùng. Hiện tại, khi dán thẻ thu phí không dừng, chủ phương tiện phải có một tài khoản, gọi là tài khoản giao thông.

Tài khoản này chưa được coi là ví điện tử và không được kết nối với tài khoản cá nhân. Chủ phương tiện phải nạp một số tiền nhất định trước khi lưu thông qua trạm thu phí và không được tính lãi. Đến nay, khi kết nối hai tài khoản (tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân), chủ tài khoản sẽ được tự quyết định chuyển số tiền phù hợp với hành trình.

Thậm chí, chủ phương tiện có thể rút tiền trong tài khoản giao thông sử dụng cho mục đích khác, không giống như trước đây, chủ phương tiện chỉ có thể nộp tiền vào tài khoản giao thông và không thể rút ra. Như vậy, chủ phương tiện có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không còn phải lo tiền nằm im trong tài khoản nhưng không được tính lãi.

"Trong tổng số hơn 70 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý triển khai, có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện xong. Điều này giúp chủ phương tiện chỉ sử dụng một thẻ đi qua được tất cả các trạm trong toàn quốc.

Những xe đã dán thẻ nhưng không đủ tiền trong tài khoản qua trạm, cũng sẽ nghiên cứu cơ chế báo cho chủ phương tiện, cơ quan chức năng để thu tiền khi đi đăng kiểm. Muốn vậy phải có chế tài bằng hình thức xử phạt và sẽ nghiên cứu mức phạt, nhất là xử phạt nguội đối với xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng", ông Huyện nói.

Cụ thể, ngay trong tháng 12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng theo Nghị định 100/2019 với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng cho lỗi đi sai làn. Bên cạnh đó, sẽ tiến tới xử phạt nguội, thông báo cho chủ phương tiện và sẽ truy thu, xử phạt khi ô tô đi đăng kiểm. Xe không dán thẻ sẽ phải chờ kể cả trạm ùn tắc cũng không xả trạm để khuyến khích chủ phương tiện nạp tiền, sử dụng dịch vụ, nâng cao hiệu quả thu phí không dừng.

Đối với việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ, Bộ GTVT cho biết "đang kết nối thử nghiệm và hoàn thiện các yếu tố kỹ thuật" đảm bảo cho chủ phương tiện dùng 1 thẻ lưu thông được qua tất cả các trạm.

  • Gỡ vướng về vốn cho các dự án cao tốc của VEC

    Gỡ vướng về vốn cho các dự án cao tốc của VEC

    Bộ GTVT cho biết, cơ quan này vừa được Chính phủ giao phối hợp với các bộ ngành liên quan để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sử dụng ngân sách nhà nước đối ứng cho các dự án ODA do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Phan Trang (VGPNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.