21/07/2019 8:01 AM
Việc Bộ GTVT áp đặt đòi thu chi phí dịch vụ ETC bằng 4,5% doanh thu, khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu thực hiện theo kiểu áp đặt này, chẳng khác nào đưa nhà đầu tư vào thế “làm không công”.

Trước tiên phải khẳng định Công điện số 849/TTg-CN, ngày 15/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Hiệp hội), nhận định: đây là một công điện kịp thời, đúng lúc để thúc đẩy ETC nhanh hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiều tài xế phản đối trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp

Doanh nghiệp làm không công...

Tuy nhiên, việc ra mệnh lệnh của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải ký hợp đồng với một nhà cung cấp dịch duy nhất là VETC và ký phụ lục hợp đồng bằng 4,5% doanh thu là điều không tưởng và chẳng khác nào bắt doanh nghiệp làm không công.

Trao đổi với DĐDN về chủ trương thu phí không dừng, ông Phạm Quốc Vượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Phước tượng – Phú Gia BOT (thuộc BOT Bắc Hải Vân), bày tỏ: “Thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, chúng tôi rất ủng hộ. Việc hiện đại hóa công nghệ thu phí sẽ tạo thuận lợi cho các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng) là bất ổn, thiếu lành mạnh, không theo đúng quy luật kinh tế thị trường”.

Cũng theo ông Vượng, việc triển khai ETC thời gian qua của Bộ GTVT bộc lộ nhiều bất cập, có nhiều điểm trái luật và trái với các quy định của Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp giữa doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư và các bên có liên quan. Chẳng hạn, đó là việc Bộ GTVT đã ký Hợp đồng BOO1 với nhà cung cấp dịch vụ ETC (là liên danh VETC) tại 34 dự án BOT nhưng không thương thảo với nhà đầu tư BOT, sau đó đưa ra các điều kiện để yêu cầu các nhà đầu tư BOT ký HĐ với VETC.

Mặt khác, Bộ GTVT còn áp đặt tỷ lệ chi phí mà Nhà đầu tư BOT phải trích cho Nhà cung cấp dịch vụ ETC (VETC). Việc này lẽ ra do hai nhà đầu tư tự thoả thuận, đàm phán trên cơ sở sử dụng dịch vụ của nhau. “Việc Bộ GTVT tham gia vào quan hệ này là điều rất “lạ”, và tại cuộc làm việc ngày 8/7 tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đã phải đặt câu hỏi: “Tại sao Bộ GTVT lại đi đàm phán thay cho doanh nghiệp?” – ông Vượng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngợi – Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194, một nhà đầu tư BOT cũng cho biết: Thực tế tất cả các trạm trên QL1 đều đã lắp đặt và vận hành tối thiểu 2 làn tự động hơn một năm qua. Điều đó thể hiện việc các nhà đầu tư BOT ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, trong công văn ngày 5/7/2019 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát hành, có nêu về việc yêu cầu 4 trạm BOT “phải dừng thu phí” nếu không lắp đặt làn thu phí ETC (trong đó có trạm BOT Cam Thịnh của công ty 194), là không đúng thẩm quyền.

... vì phát sinh thêm chi phí

Ở góc độ Hiệp hội, ông Đặng Văn Đại - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nhìn nhận: “Ứng dụng công nghệ trong thu phí còn là để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên việc ứng dụng ETC lại làm phát sinh thêm chi phí, đơn cử: Trạm BOT Cam Thịnh (Khánh Hoà) tăng thêm 369 tỉ đồng, tăng thời gian thu phí thêm 1 năm 7 tháng. Ứng dụng công nghệ kiểu gì mà xã hội lại phải cõng thêm chí phí như thế này?”. Theo ông Đại, các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng cần phải vào cuộc để làm rõ chi phí đầu tư, phương án thu hồi vốn và cả sự vận hành của cả nhà đầu tư BOT và ETC càng sớm càng tốt.

Một bất cập khác là: quyền thu phí trước đây của nhà đầu tư BOT đã được Bộ GTVT chấp thuận để các Ngân hàng cho vay vốn; nay Bộ GTVT yêu cầu bàn giao trạm thu phí cho Nhà cung cấp dịch vụ ETC sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính pháp lý của Hợp đồng thế chấp.

Theo PGS. TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng: Để sớm tháo gỡ và và đẩy nhanh công tác thu phí tự động không dừng theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Đề nghị Bộ GTVT thực hiện đúng lộ trình triển khai hệ thống thu phí không dừng bằng cách yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (một bên trong hợp đồng BOT) phải ký phụ lục hợp đồng trước khi ký hợp đồng với nhà cung cấp.

Về phần các nhà đầu tư BOT: Cần nghiên cứu kỹ các điều khoản mà nhà cung cấp dịch vụ ETC được áp dụng trong hình thức BOO (Xây dựng – Sở hữu – Vận hành), các trạm thu phí không dừng để có cơ sở đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng trước khi ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ ETC. Trong đó, cần nêu được các rủi ro và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý.

Về phía Ngân hàng Nhà nước: Cần yêu cầu các Ngân hàng tài trợ vốn cho dịch vụ ETC các Dự án BOT, có ý kiến về việc Bộ GTVT yêu cầu bàn giao trạm thu phí và áp đặt mức tính chi phí ETC để không ảnh hưởng đến tính pháp lý và phương án tín dụng đã ký kết giữa Ngân hàng tài trợ vốn và nhà đầu tư BOT.

Hương Giang (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.