23/12/2014 3:04 PM
Vì tin tưởng, một số anh chị trong gia đình để cho người em út thay họ đi kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ). Thay vì đất của ai đăng ký cho người đó, người em út lại đăng ký đất của các thành viên trong gia đình thành của mình...

Âm mưu từ trước?

Trước năm 1975, vợ chồng cụ Nguyễn Thành Long, Phạm Thị Năm (cùng ngụ ấp Thành Phú, xã Thành Lợi, huyện Bình Minh, tỉnh Cửu Long - nay là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) nhận sang nhượng, khai phá diện tích đất 19.540m2 được phân làm ba thửa 1731, 1745 và 1746. Vợ chồng cụ có sáu người con. Các con lớn của cụ lập gia đình ra riêng, vợ chồng cụ ở với người con út tên Nguyễn Ngọc Bảy (SN 1956). Trên đất, vợ chồng cụ cho con và một số người khác ở, canh tác.

Năm 1980, thực hiện Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ về kê khai ruộng đất, đất của vợ chồng cụ được đăng ký như sau. Thửa 1731, diện tích 14.370m2, do cộng đồng sử dụng gồm ông Long, diện tích 14.040m2, đất vườn, số còn lại là thổ cư được các ông, bà gồm: ông Lê Văn Hoài, diện tích 50m2; bà Trần Kim Cúc, diện tích 80m2; ông Nguyễn Văn Tròn, diện tích 200m2. Thửa 1745, diện tích 4.159m2 do con trai cả cụ Long là ông Nguyễn Văn Oai (có tên khác là Nguyễn Văn Hoai, SN 1931, ngụ tổ 26, ấp Thành Phú, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) kê khai. Thửa 1746, diện tích 1.020m2, đất thổ cư, vợ chồng cụ Long cho sáu hộ khác ở nhờ từ thời chiến tranh và họ kê khai thành tên họ.

Ông Hoai cho biết: “Năm 1991, Nhà nước có “chương trình đất”, cho người dân đăng ký, đo đạc lại. Tôi có dẫn đoàn của tỉnh đi đo đất của mình. Sau đó, tôi đi làm ăn xa nên nhờ Bảy cầm giấy tờ đất của tôi đi đóng thuế. Về sau, tôi hỏi nó “giấy tờ đất của anh khi nào có?”: Nó trả lời: “Anh yên tâm, khi nào cha có thì anh có”. Năm 1995, cha tôi chết, chưa thấy bằng khoán (giấy đăng ký QSDĐ) đâu nên nhiều lần tôi lên xã hỏi. Ông Lê Văn Quớ - cán bộ địa chính xã nói: “Bây giờ ông Long chết rồi thì anh chờ đi, trước sau gì cũng có”.
Bà Nguyễn Thanh Phượng (SN 1956, con thứ tư của cụ Long) kể: “Cuối năm 2008, ông Bảy bị bệnh nặng. Anh em chúng tôi hỏi nó về giấy tờ đất. Bảy động viên: “Em lấy bằng khoán về rồi. Sang đầu năm 2009, người ta làm việc lại, em lên xã cắt đất ra từng thửa trả lại cho các anh chị”. Nghe Bảy nói vậy, anh em tôi yên tâm chờ”. Tuy nhiên, sáng mùng một Tết Kỷ Sửu năm 2009, ông Bảy chết. Việc chia đất cho anh chị em trong gia đình bị dở dang.

Ông Bảy chết chưa được bao lâu, năm 2009, bỗng dưng con ông Bảy mang ba cái bằng khoán đứng tên ông Bảy trên toàn bộ đất của cụ Long ra và yêu cầu các cô, bác mình ra khỏi đất cụ Long, lúc này, anh em ông Hoai mới té ngửa.


Ông Hoai cho biết: “Tôi đã kê khai đất từ năm 1991, nhưng sau đó bị em út “phù phép” thành của nó”

Khuất tất cần làm rõ

Ba “bằng khoán” đứng tên ông Bảy gồm hai cái được cấp năm 1996, tổng diện tích 7.280m2, lần lượt các thửa 640, 641; một cái cấp năm 1999, thửa 639, diện tích 8.200m2, tờ bản đồ số 9, xã Thành Lợi (huyện Bình Tân). Chưng hửng trước ba bằng khoán đứng tên ông Bảy, anh em ông Hoai tìm rõ ngọn nguồn và làm đơn khiếu nại đòi đất.

Ông Hoai ngán ngẩm: “Sáu anh em chúng tôi ai cũng được cha mẹ cho đất ở, không có lý do gì cha mẹ tôi chỉ cho con út đất mà không cho những người khác. Thực tế, năm 1980, tôi đã kê khai đất của mình trong sổ mục kê. Em tôi không trung thực với chúng tôi đã đành, nhưng nhiều lần tôi liên hệ với xã để hỏi thủ tục đất đai, không hiểu sao họ lại nói đất tôi chưa được cấp bằng khoán?”.

Ông Quớ, nguyên cán bộ địa chính xã Thành Lợi (huyện Bình Tân) cho biết: “Năm 1991, xã có thông báo cho các hộ biết việc đăng ký kê khai ruộng đất. Đối với hộ ông Long, chỉ có ông Bảy đến kê khai. Người dân kê khai xong, xã tổ chức xét duyệt và niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban. Thời điểm này không thấy ông Hoai hay người nào trong gia đình ông Long khiếu nại nên xã chuyển hồ sơ lên huyện cấp đất cho ông Bảy”.

Bà Phượng bức xúc: “Nếu xã nói hồ sơ đất đai của gia đình tôi niêm yết tại xã thì hiện nay hồ sơ ấy đâu? Vì sao nhiều lần anh em chúng tôi lên xã hỏi họ lại bảo không có? Các tài liệu từ Văn phòng đăng ký QSDĐ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Tân, Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho thấy các thửa đất từ 639 đến 641, tờ bản đồ số 9, xã Thành Lợi (huyện Bình Tân) được ông Bảy đăng ký trong sổ bộ địa chính từ năm 1991. Trong đó, hồ sơ hai thửa đất 640 và 641, hiện nay các Trung tâm không lưu trữ. Trong khi nhiều thửa đất khác được cấp bằng khoán đều có hồ sơ lưu trữ, nhưng hai thửa đất trên không có hồ sơ gốc lưu trữ, liệu việc cấp bằng khoán hai thửa đất trên cho ông Bảy có hợp pháp?”.

Trước yêu cầu của các con ông Bảy, anh em ông Hoai dang đứng trước nguy cơ không tấc đất cắm dùi, cuộc sống rất bấp bênh. Khoảng năm 2012, ông Hoai làm đơn yêu cầu xã hủy bằng khoán của ông Bảy. Sau đó, ông Hoai làm đơn khiếu nại huyện. Ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch xã Thành Lợi (huyện Bình Tân) cho biết: “Việc tranh chấp đất đai giữa các anh em ông Hoai hiện UBND và Tòa án huyện đang phối hợp giải quyết. Tôi mong các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo để người có đất không bị thiệt thòi”.

Hải văn (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.