Vàng trong nước hạ nhiệt.
Tính tới 9h05, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu và vàng SJC
của Công ty Phú Quý cùng được niêm yết ở mức 37,55 triệu đồng/lượng giá mua
vào, và 37,68 triệu đồng/lượng giá bán ra. Như vậy, so với sáng hôm qua, giá
hai thương hiệu vàng này đã giảm vài chục nghìn mỗi lượng.
Trong khi, theo bảng giá cập nhật lúc 7h50 của Sacombank, vàng SBJ đứng ở mức 37,6
triệu đồng/lượng giá mua vào và 37,7 triệu đồng/lượng giá bán ra. Vàng SJC được
mua ở mức 37,59 triệu đồng/lượng, bán ở mức 37,71 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm sáng nay là do giá giao ngay tại
châu Á mở phiên sáng nay lùi sâu, sau khi đêm qua vọt lên các mốc cao kỷ lục
mới. Theo bảng thanh toán Kitco, lúc 9h, vàng giao ngay có giá hơn 1.503
USD/ounce, nhưng tới 9h15 đã lên lại mốc 1.504,9 USD/ounce.
Đêm qua, vàng hợp đồng quốc tế tăng giá phiên thứ 5 liên tiếp và chốt ở mức đỉnh
cao mọi thời đại, dầu thô cũng vượt lên vùng 112 USD/thùng, khi đồng bạc xanh
rớt giá và nhà đầu tư tăng mua trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày.
Cụ thể, giá vàng kỳ hạn giao tháng 6 tăng 4,9 USD, tương ứng 0,3%, lên 1.503,8 USD/ounce
trên sàn Comex ở New York. Trong ngày, có lúc giá vàng chạm tới mốc 1.509,6
USD/ounce. Như vậy, cả giá vàng chốt ngày lẫn mức giá giao dịch cao nhất trong
ngày đều ở đỉnh cao mọi thời đại.
Như vậy, vàng quốc tế đã tăng giá mạnh phiên thứ 5 liên tiếp kể từ hôm thứ 6 tuần
trước, và đặc biệt vọt cao sau khi tổ chức định mức tín nhiệm Standard &Poor's
hạ triển vọng nợ dài hạn của Mỹ. Tính cả tuần, giá vàng tăng 1,2%. So với thứ 6
tuần trước, giá mặt hàng này đã cộng thêm 18 USD/ounce.
Phiên hôm qua, giá vàng lập kỷ lục mới xuất phát từ lý do đồng USD rớt giá, thúc
đẩy nhà đầu tư tích trữ thêm tài sản vàng. Chốt ngày, chỉ số đồng USD, so với
rổ 6 ngoại tệ khác, giảm xuống 73,967 điểm, từ mức 74,384 điểm trong phiên
trước đó.
Ngoài ra, vàng tăng giá còn do nhà đầu tư tăng mua vào trước kỳ nghỉ lễ ba ngày
(từ 22 - 24/4). Nhà đầu tư không muốn bỏ phí ba ngày nghỉ mà không có được chút
vàng nào, Bill O'Neil, chuyên gia thuộc hãng tư vấn Logic ở New Jersey nói.
Theo nhận định của giới phân tích, vàng vẫn còn cơ hội bứt phá trong thời gian
tới. Rich DeFalco, Chủ tịch quỹ quản lý tài sản West Cooper cho rằng, giá vàng
có thể lên đến 1.600 USD/ounce và chạm mốc 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay.
Tương tự thị trường vàng, giá bạc hợp đồng hôm qua cũng tăng tiếp trên vùng cao
nhất 31 năm. Cụ thể, bạc hợp đồng tháng 5 tăng mạnh 1,6 USD, tương ứng 3,6%,
lên 46,06 USD/ounce, tiến sát mốc cao kỷ lục 50 USD/ounce hồi tháng 1/1980.
Như vậy, tính cả tuần giao dịch vừa qua, giá kim loại bạc kỳ hạn đã tăng tới
8,1%, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái tới nay.
Giá đồng giao tháng 5 tăng 6 xu Mỹ, tương ứng 1,4%, lên 4,40 USD/lb. Tuy nhiên,
mức tăng này không đủ nâng giá đồng kỳ hạn trong tuần. Tính cả tuần qua, giá
kim loại này giảm 2,2%.
Giá bạch kim giao tháng 7 tăng 17,9 USD, tương ứng 1%, lên 1.820,7 USD/ounce.
Palladium giao tháng 6 cộng 10,15 USD, lên 769,05 USD/ounce. Tính chung cả tuần
giao dịch vừa qua, bạch kim và palladium tăng giá lần lượt là 1,6% và 0,1%.
Đà tăng giá hàng hóa cũng thể hiển rõ ràng trên thị trường dầu thô quốc tế.
Chốt phiên 21/4, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 trên sàn New York tăng 0,8%
lên 112,29 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu hợp đồng loại này tăng giá 2,4%.
Tại sàn giao dịch London, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 6 tăng 14 xu Mỹ
lên 123,99 USD/thùng. Trong phiên, có lúc dầu kỳ hạn loại này lên tới 124,81
USD/thùng.
Trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD liên ngân hàng sáng nay đã
giảm ngày thứ 3 liên tiếp, xuống 20.718 đồng/USD. Tỷ giá trần áp dụng cho các ngân
hàng thương mại là 20.925 đồng/USD. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng niêm yết
giá USD dưới mức trần từ 15 - 30 đồng/USD.
Cụ thể, tại Vietcombank, USD được niêm yết ở mức 20.850 - 20.900 đồng/USD (mua
vào/bán ra). Tại Eximbank, đồng USD được mua vào ở khoảng 20.820 - 20.830
đồng/USD, bán ra ở 20.880 đồng/USD. Tại Sacombank, giá mua USD là 20.830 -
20.840 đồng/USD, giá bán là 20.910 đồng/USD.
Đáng chú ý, chênh lệch giá mua và bán USD tại một số ngân hàng được kéo căng
tới 80 đồng/USD, như ở Sacombank.