Liên tiếp đề xuất đầu tư
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh này cho biết ý tưởng đưa ra phù hợp với quy hoạch chung của TP Vũng Tàu và nhất trí ý tưởng do đơn vị tư vấn đề xuất. UBND tỉnh sẽ trình HĐND thông qua kế hoạch sử dụng đất, đồng thời ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và kế hoạch thu hồi đất để triển khai hai dự án này.
Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ ý tưởng thực hiện hai dự án khu đô thị 467ha. Ảnh: Hoàng Sang
Theo đề xuất quy hoạch, dự án khu đô thị Hải Đăng thuộc phường 12, TP Vũng Tàu có quy mô gần 267ha. Dự án sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sinh thái khép kín, phục vụ nhu cầu ở, làm việc, giải trí cho cư dân, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Khu đô thị trung tâm tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu có quy mô khoảng 200ha, gồm đô thị nén 35ha, công viên trung tâm 46ha, khu trung chuyển và dịch vụ thương mại hỗn hợp 24ha, trung tâm tài chính và công nghệ 20ha, tổ hợp biểu tượng đô thị 25ha.
Về lựa chọn nhà đầu tư hai khu đô thị trên, lãnh đạo tỉnh cho biết, khu đất sân bay Vũng Tàu hiện hữu là đất công sẽ được đưa vào kế hoạch đấu giá công khai lấy kinh phí xây dựng sân bay Gò Găng. Với khu đất quy hoạch đô thị Hải Đăng, tỉnh sẽ đấu giá một phần để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng và một phần cho thuê đất.
Trước đó vào tháng 10/2019, liên danh Văn Phú – Invest và VCI đã xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng; nghiên cứu, lập quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại khu đất sân bay cũ thuộc TP Vũng Tàu.
Được biết vào tháng 6/2018, một liên danh khác giữa Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng (Song Hong ICT) cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Gò Găng.
Hồi tháng 11/2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sojitz và Song Hong ICT về ý tưởng dự án sân bay Gò Găng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sojitz đã rút và thay bằng doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng như đề xuất nói trên.
Dự án sân bay Gò Găng được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu tại phường 9, TP Vũng Tàu. Kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỉ USD. Hai phương án đầu tư được đưa ra là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí. Phương án thứ nhất, đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Phương án thứ hai, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.
Theo quy hoạch dự kiến điều chỉnh thì khu vực sân bay Gò Găng là một trong tám phân khu chức năng tại Đảo Gò Găng. Cụ thể, phân khu này bao gồm khu vực xây dựng các nhóm nhà ở, khu vực xây dựng các công trình chức năng hỗn hợp, khu vực xây dựng các công trình công cộng, khu vực công viên cây xanh và không gian mặt nước cảnh quan, khu vực xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, khu vực công viên thể thao giải trí, khu vực sân bay Gò Găng và các dịch vụ sân bay, khu trung tâm nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, Đảo Gò Găng có diện tích toàn khu 1.350ha, dân số dự kiến khoảng 24.300 người, đất xây dựng đô thị 823ha, tầng cao tối đa 13 tầng,… Phạm vi quy hoạch Đảo Gò Găng thuộc địa phận xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, được giới hạn bởi phía Bắc giáp Sông Rạng; phía Tây giáp sông Chà Và; phía Đông và Nam giáp sông Dinh.
Liên danh Văn Phú – Invest và VCI
Văn Phú - Invest là cái tên khá nổi trên thị trường bất động sản Việt Nam. Với hơn 16 năm kinh nghiệm, công ty này đang sở hữu một quỹ đất rộng lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Được thành lập năm 2003, tiền thân của Văn Phú - Invest là chi nhánh Công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh tại Hà Nội. Năm 2008, doanh nghiệp này cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án, quản lý và kinh doanh bất động sản. Chủ tịch HĐQT là ông Tô Như Toàn.
Vào tháng 11/2017, Văn Phú – Invest chính thức lên sàn chứng khoán Hà Nội, sau đó chuyển sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vào tháng 6/2018 với mã giao dịch là VPI.
Có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, Văn Phú - Invest đã tận dụng lợi thế này để tích lũy đất thông qua việc triển khai các dự án BT. Hiện công ty đang thực hiện hai dự án BT là Dự án xây dựng đường vành đai 2 tuyến Gò Dưa – Phạm Văn Đồng (TP.HCM) và Dự án các tuyến đường giao thông kết nối hạ tầng khu đô thị, dân cư quận Hà Đông (Hà Nội).
Dự án BT tại TP.HCM mang lại cho Văn Phú 3,16ha đất tại các quận trung tâm của TP.HCM. Các khu đất này dự kiến được phát triển các dự án cao tầng. Còn dự án BT tại Hà Đông được cân đối bằng sáu khu đất tại các phường của quận Hà Đông.
Văn Phú - Invest có lợi thế sở hữu quỹ đất lớn từ các dự án BT
Văn Phú – Invest ghi dấu trên thị trường bất động sản với loạt dự án trên nhiều phân khúc. Ở phân khúc tiêu chuẩn với thương hiệu The Vlasta có Khu đô thị mới Văn Phú Hà Đông, tòa nhà The Van Phu Victoria; phân khúc tầm trung mang thương hiệu The Terra có The Terra Hào Nam, The Terra An Hưng; và dòng sản phẩm cao cấp mang thương hiệu Grandeur Palace có Grandeur Palace Giảng Võ, Grandeur Palace Phạm Hùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này không ngừng mở rộng địa bàn với các dự án có quỹ đất lớn nằm tại nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Cần Thơ.
Đầu năm 2019, Văn Phú - Invest đã nhận chủ trương đầu tư dự án Lộc Bình (Thừa Thiên Huế). Dự án quy mô 248ha với tổng vốn đầu tư khoảng 5.765 tỉ đồng gồm các khu khách sạn và biệt thự. Tại Cần Thơ, Văn Phú nhận chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Cồn Khương rộng 51ha có tổng giá trị đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng.
Văn Phú - Invest có mức vốn hóa trên thị trường khoảng 6.600 tỉ đồng. Năm 2019, Văn Phú – Invest đạt lợi nhuận 526 tỉ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Văn Phú – Invest đạt mức 8.967 tỉ đồng tăng 33,4% so với năm 2018, vốn chủ sở hữu đạt 2.706 tỉ đồng.
Trong khi đó, đối tác VCI được thành lập ngày 5/3/2010, có trụ sở chính tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Hải Bắc, sinh năm 1982.
VCI cũng được biết đến là chủ đầu tư khu nhà ở đô thị Mountain View tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có tổng diện tích 13,3ha, được định giá hơn 483,3 tỉ đồng.
Theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, VCI đã nhiều lần thực hiện tăng vốn, từ mức 181 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 700 tỉ đồng từ 21/7/2017. Đến tháng 9/2018, cơ cấu cổ đông của VCI bao gồm năm nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, ông Lê Tiến Thắng góp 642,488 tỉ đồng tương đương 91,784% vốn của VCI.
Cập nhật đến tháng 8/2018, ông Lê Tiến Thắng còn góp 810 tỉ đồng tương đương nắm giữ 90% cổ phần của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái - đơn vị sở hữu 65% vốn dự án BOT Cai Lậy.
Được biết, vào cuối tháng 11/2016 Văn Phú - Invest và công ty Bắc Ái cùng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, có vốn điều lệ 150 tỉ đồng, tỷ lệ vốn góp lần lượt 60% và 35%.
Công ty này có trụ sở chính tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Một số dự án lớn triển khai gồm dự án BT đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa 2.527 tỉ đồng, dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) 1.089 tỉ đồng, dự án 132 Đào Duy Từ (quận 10, TP.HCM) 362 tỉ đồng.
-
Diễn biến mới nhất về việc thành lập thành phố thứ 3 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chính phủ đề nghị thành lập phường Tân Hòa, phường Tân Hải thuộc thị xã Phú Mỹ. Đồng thời, thành lập thành phố Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
-
Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu đối thoại người dân có đất bị thu hồi làm dự án
Chiều 11/1, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu chủ trì buổi tiếp và đối thoại với các hộ dân thuộc diện có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Trụ sở Công an TP. Vũng Tàu.
-
Diễn biến mới tại dự án sân bay đặc biệt ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, lập Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2025....