20/08/2010 8:16 AM
Các thành phố khổng lồ với hàng chục triệu dân, đa phần là những người thất nghiệp và sống trong các khu nhà tồi tàn bao quanh vài khu thượng lưu. Các thành phố, trong đó dân cư luôn bị nạn đói, dịch bệnh và điều kiện sinh hoạt khốn khó đe dọa...

Ngoài ra là từng đoàn xe hơi và tàu hỏa lũ lượt chở tới mỗi ngày hàng nghìn người rời bỏ thôn quê đổ ra thành phố kiếm sống. Đó là viễn cảnh trong tương lai gần của Mexico City, Cairo (Ai Cập), Jakarta (Indonesia) và các đô thị khác tại những nước đang phát triển.

Mexico City, Sao Paulo (Brazil), Trùng Khánh và Thượng Hải của Trung Quốc đang được coi là những thành phố đông dân nhất thế giới. Trong vòng hai thập niên tới, dân số các thành phố này sẽ tăng gấp đôi, nảy sinh những vấn đề xã hội và kinh tế vốn đã nan giải ngay từ bây giờ.

Các đô thị với hơn 20 triệu dân sẽ làm thay đổi lối sống vốn có của dân thành phố hiện nay. Cách đây 30 năm, chỉ mới có 700 triệu người thành phố. Con số đó bây giờ là 1,9 tỉ, còn tới cuối thế kỷ này sẽ là 3,2 tỉ - chiếm hơn 50% dân số của hành tinh. Vào đầu năm 2010 khoảng 850 triệu người đang sống chen chúc tại chừng 65 đô thị trên 5 triệu dân - 3/4 trong số này là thuộc các quốc gia đang phát triển.

Chỉ có một thành phố duy nhất của một nước kỹ nghệ phát triển là được tính vào con số 5 đại đô thị lớn hàng đầu - đó là thủ đô Tokyo của Nhật Bản với 24 triệu dân. Còn thủ đô London của Anh, khi mà vào đầu những năm 50 thế kỷ XX với 10 triệu người - đứng hàng thứ hai trên thế giới, tới nay đã không được liệt vào danh sách 25 siêu đô thị đông dân nhất. Tất cả các tài liệu trên đều dựa theo nguồn tin của Cơ quan Dân số và Phát triển trực thuộc LHQ.

Với các nhà nhân chủng học, chẳng khó gì khi lý giải việc phát sinh ra các thành phố khổng lồ. Nguyên nhân hàng đầu là sự bùng nổ dân số tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Trong khi các đô thị ở các quốc gia kỹ nghệ phát triển phình to ra bởi lượng người nhập cư từ nhiều nơi khác vốn "lạc hậu" hơn đổ đến, thì với các nước chậm phát triển còn thêm lý do tăng dân cơ học tự nhiên tại chỗ nữa.

Một thành phố thiết kế cho chừng 3 triệu dân, bây giờ phải chứa tới... 30 triệu người. Ngay cả các đô thị vốn giàu có như New York hoặc London cũng không có đủ kinh phí để trang trải những đòi hỏi mới; huống hồ với 300 triệu cư dân trong các thành phố của những quốc gia nghèo, tính sơ sơ tối thiểu phải cần đến 200 USD/đầu người dân, cũng cần có 60 tỉ USD để làm lại mọi hệ thống dịch vụ công cộng.

Một vấn đề đáng lo sợ hơn nữa là nạn thất nghiệp tràn lan. Công việc đô thị hóa ở châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ XIX và XX là do nhu cầu về lao động cho các ngành kỹ nghệ. Còn bây giờ đâu cũng thừa người vì công nghiệp tự động hóa, cũng như thiếu kinh phí cho việc tạo ra những chỗ làm mới.


Một góc thành phố Mumbai (Ấn Độ) - ảnh sưu tầm: Ashui.com

Một nhóm các chuyên gia lạc quan thì cho rằng sự tăng trưởng dân số trong các thành phố sẽ bị chặn đứng, nếu như xúc tiến ngay việc cải thiện các điều kiện sống ở những vùng thôn quê - sao cho dễ thở hơn. Những người thực tiễn lại cho rằng: tiến trình đô thị hóa sẽ quá tải tới mức không thể chịu nổi, khiến mọi người tự nguyện bỏ về quê sống cho dễ chịu hơn.

Còn giới bi quan - số này chiếm đa số - đang chờ đợi sự xuống cấp trong các điều kiện sống giữa thành phố lớn: dẫn đến dịch bệnh lan tràn, chết đói hàng loạt và bùng lên sự đối kháng đại trà... Bất chấp phán xét của mọi giới, các siêu đô thị lớn nhất hành tinh vẫn tiếp tục ngày càng phình ra không sao kiểm soát nổi.

Bất cứ thành phố nào cũng có vấn đề riêng của mình. New York cần cải tổ lại hệ thống đường sá vùng ngoại ô đang ngày một bành trướng. Với việc sửa mới hàng ngàn kilômét thuộc hệ thống dẫn nước có từ thời Nữ hoàng Victoria, khu London City phải chi tới 50 tỉ bảng Anh (75 tỉ USD). Còn tại thủ đô Cairo của Ai Cập - quốc gia lớn nhất châu Phi - hơn nửa triệu người đang sống trong các... nghĩa địa, hàng trăm nghìn người khác sống vất vưởng ngoài vỉa hè.

Ở Mexico City, 2 triệu trẻ em không có điều kiện cắp sách tới trường. Tiền thuê nhà một năm ở Lagos (Nigeria) là 85 nghìn USD và phải đặt cọc trước từ 3 đến 5 năm. Tại Mumbai (Ấn Độ), mỗi ngày có 10/12 người thiệt mạng do các phương tiện giao thông luôn quá tải...

Các đô thị lớn phát triển liên tục là điều miễn bàn cãi. Nhưng vấn đề chính là lượng dân cư cứ phát triển... gấp đôi so với tự bản thân mỗi thành phố. Cứ mỗi một cố gắng nhằm cải thiện điều kiện sống ở thành phố luôn đồng nghĩa với sự lôi cuốn lượng người từ nơi khác kéo đến. Vấn đề quả thực không đơn giản chút nào.

Một trong những cách hữu hiệu nhất là giới hạn theo kế hoạch việc phát triển các thành phố, song song với việc tạo công ăn việc làm cho những người dôi thừa. Hay tốt hơn cả là tạo ra hẳn những đô thị hoàn toàn mới, với đủ mọi điều kiện thiết yếu của một thành phố lớn cho những ai thích sống ở thành phố tới đó lập nghiệp, như vùng Raziansk (đô thị Bình Minh) của Liên bang Nga hiện nay chẳng hạn.

Cafeland.vn - (theo Newsweek )

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.