10/08/2013 7:37 AM
Bộ Xây dựng kiến nghị cần tăng nhanh nguồn cung nhà có diện tích nhỏ, giá bán thấp.

“Tính đến 31-7, các ngân hàng mới chỉ cam kết cho 150 hộ gia đình, cá nhân vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng với số tiền trên 46 tỉ đồng. Trong đó, đã giải ngân trên 33 tỉ đồng cho 139 khách hàng” - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản, ngày 9-8. NHNN cũng xác nhận mới chỉ đăng ký hợp đồng cho vay đối với hai doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội.

“Khi mới có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, nhiều người dân vội xếp hàng chờ được vay. Nhưng sau một thời gian, họ thất vọng vì thủ tục vay tiền rất khó. Nhiều ngân hàng đòi giấy đỏ của căn nhà mà người dân ký hợp đồng mua từ chủ đầu tư, trong khi việc cấp giấy này luôn có độ trễ. Hơn nữa, giấy đỏ hoàn toàn không cần thiết trong trường hợp này” - ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu thực tế.

Việc cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng vẫn còn khó khăn. Ảnh: HTD

Còn theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, việc cho vay trong gói 30.000 tỉ đồng đạt tỉ lệ thấp do các vấn đề phát sinh trong thực tế không được lường trước. Nhất là những vướng mắc trong xác định đối tượng, thủ tục vay vốn của cá nhân và tổ chức.

Bộ Xây dựng cũng nêu thêm các khó khăn trong thủ tục vay vốn, như phía ngân hàng vẫn yêu cầu hộ gia đình, cá nhân khi vay tiền phải có xác nhận là đối tượng thu nhập thấp, dù quy định hiện hành không yêu cầu việc này. Hay có nhiều phường không chịu xác nhận về thực trạng nhà ở cho người dân (Pháp Luật TP.HCM ngày 16-7 và 31-7).

Ngoài ra, để được vay tiền mua nhà, người dân phải có hợp đồng mua bán nhà đã ký với chủ đầu tư. Tuy nhiên, số nhà ở đáp ứng đủ tiêu chí cho vay (diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) lại khá ít, kể cả ở TP.HCM và Hà Nội. Trong khi đó, việc cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh diện tích căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường và tiêu chí cho vay lại rất chậm.

“Hiện TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký điều chỉnh của 26 dự án nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức cho phép chuyển đổi, điều chỉnh dự án nào. Còn Hà Nội đã thẩm định được 26 dự án nhưng mới chỉ có bốn dự án được cho phép chuyển đổi” - Bộ Xây dựng dẫn chứng

Để đẩy nhanh tiến độ cho vay, Bộ Xây dựng kiến nghị: “Các địa phương cần rút ngắn thời gian thẩm định để các chủ đầu tư dự án có nhu cầu được sớm điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Việc này nhằm tăng nhanh nguồn cung nhà có diện tích nhỏ, giá bán thấp, đáp ứng nhu cầu của người dân gắn với việc vay vốn từ gói tín dụng. Cùng đó, chính quyền phường xã chú trọng thực hiện xác nhận tình trạng nhà ở cho người có nhu cầu”.

Hoàng Vân (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.