Ngày 4-9, Ban Quản lý Dự án 7 và Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã tổ chức đóng, mở thầu 13/13 gói thầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Từ khi phát hành hồ sơ mời thầu hôm 6-8 cho đến ngày 4-9, đã có 153 đơn vị mua 354 bộ hồ sơ. Cụ thể: Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 gồm 5 gói thầu xây lắp, có 60 đơn vị mua hồ sơ mời thầu với tổng số 140 bộ; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây với 4 gói thầu xây lắp, có 32 đơn vị mua 74 bộ.
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo công tác lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả. Việc lựa chọn được các nhà thầu thực sự đáp ứng năng lực, có kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và tiến độ thi công đối với 3 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Tuy nhiên, trước khi tìm được nhà thầu cho 3 dự án này, hàng loạt vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, Bộ GTVT tuyên bố sẽ chọn nhà thầu có năng lực về nhân lực, trang thiết bị, tài chính, kinh nghiệm… nhưng lại "quên" đề cập những nhà thầu từng vi phạm tại các dự án trước đó.
Liệu những nhà thầu này có được ứng tuyển không? Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra khi nhà thầu trúng thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng lại bị kết luận có sai phạm tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do quá trình điều tra của cơ quan chức năng vẫn chưa kết thúc.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi vừa đưa vào vận hành đã hư hỏng nhiều nơi
Về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng các cơ quan, đại biểu Quốc hội phải tham gia giám sát xuyên suốt việc thực hiện Nghị quyết 117 tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông, không để xảy ra những sai phạm như tại đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác sàng lọc tuyển chọn nhà thầu cần phải công khai, đúng luật, kiên quyết loại bỏ những nhà thầu dính phốt sai phạm. Những ứng viên dự thầu từng bị "điểm danh" liên quan đến sai phạm, như trường hợp các công ty bị Bộ Công an nêu tên tại tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, phải bị điểm âm về năng lực và "hạnh kiểm".
"Tôi cho rằng Bộ GTVT cần tuyển chọn những nhà thầu có đủ năng lực thực tế đã được minh chứng qua các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, nên ưu tiên tuyển chọn những nhà thầu không chỉ bảo đảm tốt chất lượng công trình, được xã hội đánh giá cao mà còn tiết giảm đáng kể cho ngân sách nhà nước" - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào vận hành đã hư hỏng không chỉ khiến ngân sách chịu thêm nhiều gánh nặng và thiệt hại mà còn là cú sốc về niềm tin, dấy lên sự lo ngại của xã hội đối với công tác đầu tư công. Những nhà thầu không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi bị Bộ Công an điểm danh vẫn đang ám ảnh lòng tin của người dân.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT cần sàng lọc kỹ, kiên quyết loại bỏ những ứng viên nhà thầu có lịch sử "dính chàm" sai phạm. Qua đó, tránh được những vướng mắc, hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời làm tấm gương mẫu mực cho 5 dự án thành phần còn lại.
Liên quan sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (các gói thầu xây lắp số 1, 2, 4, 5 và 7), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Bộ Công an cũng nêu rõ danh tính các đơn vị, nhà thầu liên quan đến hàng loạt sai phạm tại dự án này đang bị khởi tố và tiếp tục điều tra, gồm Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd và 6 nhà thầu phụ: Công ty Xây dựng đầu tư hạ tầng INCICO, Công ty CP Xây dựng 75-Cienco 8, Công ty Xây dựng nền móng Sông Đà Thăng Long miền Nam, Công ty CP Cơ giới - Xây lắp số 9, Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T, Công ty CP Sở hữu Thiên Tân; Liên danh Thiên Ân - Vinaconex tại gói A5; Liên danh Cienco 4 - Tổng Công ty xây dựng Thăng Long tại gói A3; Công ty CP Đầu tư - Xây dựng giao thông Phương Thành; Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; Cienco 4… Ngoài ra, một số nhà thầu phụ khác được Công ty Posco thuê thi công nhưng sau đó không có sự chấp thuận của VEC nên đã bị dừng như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng - Thương mại Á Đông, Công ty CP Đầu tư phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, Công ty TNHH Nam Phương, Công ty TNHH Semyung Electric and Power. |
-
Gia hạn thời gian mở thầu 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam vốn đầu tư công
3 gói thầu xây lắp thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết – Vĩnh Hảo sẽ được gia hạn thời gian mở thầu đến ngày 14/9.
-
Hai tuyến cao tốc nào vừa được bổ sung vào quy hoạch?
Chính phủ vừa đồng ý bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hai dự án cao tốc gồm Cà Mau – Đất Mũi và Quảng Ngãi – Kon Tum.
-
Loạt “ông lớn” Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát… đứng trước thời cơ chưa từng có
ACBS kỳ vọng các ông lớn ngành nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng như Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát sẽ bứt phá nhờ việc hưởng lợi từ cơ hội đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.
-
12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào sẽ được khởi công trong năm 2025
Trong năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công 12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên cả nước. Trong đó, nhiều dự án sẽ được khởi công ngay trong đầu năm 2025.