Chờ đón khách
Những ngày qua, dù ngày hay đêm, trên công trường xây dựng Ga Nhà hát Thành phố (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), đội ngũ kỹ sư, công nhân vẫn khẩn trương hoàn thiện các hạng mục của nhà ga để kịp đón người dân tham quan tìm hiểu về quá trình thi công tuyến metro này trong dịp lễ 30-4. Ở dưới độ sâu 30m so với mặt đất, hàng trăm công nhân tất bật làm việc ở cả 3 sàn (3 tầng ngầm). Sàn đáy của nhà ga ở vị trí sâu nhất (có độ dày gần 1,5m), đây là sàn chịu lực nhiều nhất khi tuyến metro số 1 vận hành.
Kỹ sư Lê Thành Lê của liên doanh nhà thầu Sumitomo thi công gói thầu Ga Nhà hát Thành phố cho biết, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hàng ngàn lao động tại dự án, các biện pháp chống dịch được triển khai nghiêm ngặt, gồm: kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, phải đeo khẩu trang trước khi vào công trường làm việc. Trong khi đó, làm việc trong môi trường nặng nhọc, oi bức.
Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh phụ trách gói thầu khu vực ga ngầm Bến Thành cho biết, việc thanh toán lương đúng thời hạn đã được chủ đầu tư cam kết “sẽ được thông suốt cho năm 2020” nên nhà thầu cũng như công nhân an tâm, tập trung hết sức cho công việc. Minh chứng là trên công trường hiện có gần 3.000 lao động đang làm việc tại gói thầu Ga Nhà hát Thành phố. Thời gian tới, lượng người lao động sẽ tăng lên gấp đôi nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu hoàn thành sớm ngày nào hay ngày ấy.
“Tất cả công nhân đều đồng lòng cùng với Ban Quản lý đường sắt đô thị hoàn thành nốt các hạng mục ở tầng hầm B1 để kịp mở cửa đón khách tham quan trong dịp lễ này. Phía trên mặt đất, đơn vị thi công đã bàn giao 2.177m² mặt bằng công viên trước Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng vào ngày 13-4, rút ngắn 17 ngày so với kế hoạch bàn giao ban đầu của nhà thầu”, kỹ sư Trinh cho biết.
Tiến về đích
Rời Ga Nhà hát Thành phố, chúng tôi chạy xuôi theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn từ Nhà máy Ba Son (quận 1) qua cầu Sài Gòn dọc theo tuyến metro số 1. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một tuyến đường uốn lượn trên cao, men theo xa lộ Hà Nội dài cả chục kilômét của tuyến metro này. Trên mặt sàn của đoạn uốn lượn ấy là 2 tuyến đường ray, màu đỏ sẫm chạy dài tít mắt đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng chờ tàu lăn bánh. Tại ga đối diện Khu Công nghệ cao, mọi thứ gần như hoàn tất, công nhân đang thi công những công đoạn cuối của các hạng mục cầu thang bộ, thang máy, thang cuốn, nhà chờ, khu soát vé… Tương tự, các ga Bình Thái, Thủ Đức, Suối Tiên và ga cuối Bến xe miền Đông mới cũng đang được gấp rút thi công các hạng mục.
Depot (ga có khu dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu) Long Bình là điểm cuối của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, được đặt tại phường Long Bình (quận 9) với diện tích khoảng 27,4ha. Hiện hầu hết các hạng mục đang được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, trung tâm điều độ vận hành tàu đang được lắp đặt các thiết bị máy móc. “Tôi làm việc ở công trường này từ lúc mới san lấp mặt bằng, đến giờ hơn 6 năm rồi và tôi rất tự hào được tham gia xây dựng trong dự án tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, người dân sẽ được đi trên chuyến tàu này”, một kỹ sư trẻ tên Phương tâm sự.
Nói về tiến độ dự án, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường cho biết, quyết tâm trong năm nay hoàn thành 85% tiến độ và đưa toàn dự án về đích vào khoảng tháng 4-2021. Hiện việc chạy thử tàu bên Nhật Bản đã hoàn tất, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đội ngũ chuyên gia của Nhật Bản và đoàn tàu chưa thể về Việt Nam trong lúc này. Các đơn vị sẽ nỗ lực đưa đoàn tàu đầu tiên vào chạy thử trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ.
Theo đó, vào quý 2-2020 sẽ chạy thử đoàn tàu. Đầu năm 2021 tiếp tục chạy thử từ Ga Văn Thánh đến Ga Bến Thành và sau đó sẽ chính thức đưa vào khai thác vận chuyển hành khách trong năm 2021.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 19,7km với 14 nhà ga. Toàn tuyến sẽ có 17 đoàn tàu hoạt động, mỗi đoàn tàu có 3 toa chở khách. Tốc độ tối đa thiết kế 110 km/giờ (đoạn trên cao), 80 km/giờ (đoạn hầm). Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng. Trong tương lai, đoàn tàu này sẽ nối thành 6 toa. |
-
Tin vui cho người dân tại TP.HCM
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, 4 cây cầu huyết mạch gồm Phước Long, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, và Bà Hom đang trong giai đoạn nước rút để kịp thông xe, sẽ giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố. Đây là tin vui lớn cho...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.