Trong quý 1 niên độ tài chính 2023-2024, Tập đoàn Hoa Sen tích cực vay nợ ngân hàng thêm hơn 1.700 tỷ đồng, nâng quy mô khoản vay tại các ngân hàng lên 4.684 tỷ đồng.

Lãi trăm tỷ quý đầu năm

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) khởi đầu từ một cơ sở bán tôn, tiến tới thành lập một công ty có vốn điều lệ khiêm tốn 30 tỷ đồng vào năm 2001.

Đến năm 2008, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là HSG.

Sau hơn 20 năm, Hoa Sen hiện là nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam, nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.

Hoa Sen hiện đang sở hữu hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2023-2024 (từ 1/7/2023 đến 30/9/2024) với doanh thu thuần đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc giá vốn bán hàng được tiết giảm đã giúp doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi gộp đạt 950 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Ngoài việc phục hồi mạnh mẽ của biên lợi nhuận gộp thì chi phí tài chính giảm mạnh cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của Hoa Sen. Chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá đã giảm mạnh trong quý 1 niên độ tài chính 2023-2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, chi phí lãi vay giảm 47%, từ mức 48 tỷ đồng xuống còn 25 tỷ đồng nhờ nỗ lực trong việc đàm phán với các ngân hàng để có mức lãi suất vay tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí chênh lệch tỷ giá giảm 63%, xuống còn 24 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết, tập đoàn duy trì không nhận nợ vay bằng USD nên dù tỷ giá USD/VND diễn biến phức tạp cũng không ảnh hưởng nặng nề đến chi phí chênh lệch tỷ giá.

Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 37% so với cùng kỳ, từ mức 32 tỷ đồng tăng lên 44 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Kết quả, Hoa Sen báo lợi nhuận sau thuế trong quý 1 niên độ tài chính 2023-2024, đạt 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 680 tỷ đồng.

Trước đó, cổ phiếu của Hoa Sen đã bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế âm. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu của tập đoàn này đã được giao dịch ký quỹ trở lại.

Tháng 5/2023, cổ phiếu HSG đã bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt gần 14.900 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ và lỗ ròng 424 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh bị thua lỗ của doanh nghiệp này là do sự đi xuống của ngành thép kể từ nửa sau năm 2022 với sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh.

Vay ngân hàng hơn 4.600 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/12/2023, Hoa Sen ghi nhận tổng tài sản tăng 8% lên gần 18.800 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho là gần 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này đang có khoản tiền gửi không kỳ hạn hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu niên độ kinh doanh.

Quý vừa rồi, Hoa Sen đẩy mạnh vay nợ ngân hàng, qua đó nâng quy mô khoản vay tại các ngân hàng từ hơn 1.700 tỷ đồng lên hơn 4.684 tỷ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Tổng nợ phải trả cũng vì vậy mà tăng 20% lên hơn 7.900 tỷ đồng.

Hiện tại, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đang vay nợ tại một loạt ngân hàng, trong đó có những cái tên lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, HSBC…

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương (VietinBank Bình Dương) đang là chủ nợ lớn nhất với giá trị cho vay ngắn hạn là gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 340 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Khoản nợ tại VietinBank Bình Dương chiếm 42% tổng nợ vay ngân hàng tại doanh nghiệp sản xuất tôn mạ này.

Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Bình Dương (Vietcombank Nam Bình Dương) với giá trị gần 1.770 đồng.

Ngoài ra, một chủ nợ lớn khác của Hoa Sen là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch 2 với số tiền hơn 455 tỷ đồng, Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank - Chi nhánh TP.HCM với số tiền gần 240 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen vay ngân hàng hơn 4.680 tỷ đồng. Nguồn BCTC HSG

Trước đó, Hoa Sen đã tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD, đảm bảo không ghi nhận chênh lệch tỷ giá từ các khoản nợ vay cho dù tỷ giá có biến động trong tương lai. Đồng thời doanh nghiệp này cũng đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ vay dài hạn, giảm đáng kể chi phí lãi vay có thể phát sinh.

Tại Đại hội thường niên năm ngoái, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết, lãi ngân hàng 6,5% thì Hoa Sen sẽ không vay, xuống 6,2% mới vay.

“Nói cho các anh ngân hàng ở đây biết, xưa các anh ăn tôi thì nay tôi ăn lại, lãi suất sẽ phải giảm tiếp”.

Ngày 18/3/2024 tới đây, Hoa Sen sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông niên độ tài chính 2023-2024 để bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029, thảo luận các nội dung liên quan đến kết quả, kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức...

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm
  • Dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen