Thoát lỗ, lãi vỏn vẹn 28 tỷ đồng
Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) được thành lập từ tháng 8/2001, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, bao gồm 22 nhân viên và 3 chi nhánh phân phối, bán lẻ trực thuộc.
Đến năm 2008, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là HSG.
Hiện tại, Hoa Sen là nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam, nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT còn nắm giữ chuỗi phân phối Hoa Sen Home với hơn 500 cửa hàng và chi nhánh bán lẻ trên khắp cả nước.
Hoa Sen đang sở hữu hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022-2023 (từ 1/7/2023 đến 30/9/2023) với doanh thu thuần đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Với việc giá vốn bán hàng được tiết giảm đã giúp doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi gộp đạt 1.072 tỷ đồng, trái ngược với con số lãi gộp âm 231 tỷ đồng cùng kỳ.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 50 tỷ đồng, tương ứng giảm 45% trong đó chi phí lãi vay giảm 38 tỷ đồng (giảm 52%) và chi phí do chênh lệch tỷ giá giảm 12 tỷ đồng (giảm 31%). Chi phí bán hàng giảm 110 tỷ đồng tương ứng giảm 17%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 28 tỷ đồng tương ứng giảm 27%.
Kết quả, Hoa Sen báo lợi nhuận sau thuế đạt 438 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 887 tỷ đồng. Dù kết quả quý kinh doanh vừa qua đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung cả niên độ 2022-2023, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ chỉ lãi vỏn vẹn 28 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.
Doanh thu hợp nhất của Hoa Sen trong giai đoạn này đạt 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh.
Năm 2023, Hoa Sen đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây. Cụ thể, kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng.
Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, doanh nghiệp này dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.
Như vậy, với việc lãi 28 tỷ đồng, Hoa Sen không hoàn thành được mục tiêu lãi 100-300 tỷ đồng trong niên độ này.
Niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen báo lãi 28 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ
Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ cho rằng những khó khăn của ngành tôn thép nói chung có thể kéo dài tới cuối năm 2024 do các vấn đề vĩ mô như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nhu cầu suy yếu.
Trong thời gian tới, Hoa Sen sẽ tiếp tục tập trung vào tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối, các tổng kho trên toàn quốc. Đồng thời duy trì và mở rộng kênh và danh mục sản phẩm xuất khẩu.
Hoa Sen trả hơn 1.100 tỷ đồng nợ vay
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 17.347 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho là 7.600 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu niên độ tài chính 2022-2023. Tiền và các khoản tương đương tiền gửi ngân hàng tăng 80% lên gần 600 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hoa Sen tăng 7% so với thời điểm đầu năm, lên mức 6.568 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 2.900 tỷ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn, giảm 28%.
Hiện tại, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đang vay nợ tại một loạt ngân hàng, trong đó có những cái tên lớn như VietinBank, Vietcombank, Kasikornbank…
Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh KCN Bình Dương (VietinBank Bình Dương) đang là chủ nợ lớn nhất với giá trị cho vay ngắn hạn là hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Khoản nợ tại VietinBank Bình Dương chiếm 56% tổng nợ vay ngân hàng tại doanh nghiệp sản xuất tôn mạ này.
Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Bình Dương (Vietcombank Nam Bình Dương) với giá trị 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, một chủ nợ lớn khác của Hoa Sen là Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank - Chi nhánh TP.HCM với số tiền 177 tỷ đồng.
Bên cạnh việc giảm dư nợ vay, Hoa Sen còn đàm phán để có mức lãi suất tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Hoa Sen đã tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD, đảm bảo không ghi nhận chênh lệch tỷ giá từ các khoản nợ vay cho dù tỷ giá có biến động trong tương lai. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ vay dài hạn, giảm đáng kể chi phí lãi vay có thể phát sinh.
-
Ông Lê Phước Vũ muốn làm dự án khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cao cấp Hoa Sen tại Lâm Đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đạ Huoai và các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của ông Lê Phước Vũ về việc nghiên cứu, lập dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cao cấp Hoa Sen tại huyện Đạ Huoai.
-
Lợi nhuận quý 2/2023 của Hòa Phát và Hoa Sen được dự báo ra sao sau “cơn bĩ cực"?
SSI dự phóng kết quả kinh doanh của hai “ông lớn” ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý 2/2023, song cải thiện đáng kể so với quý đầu năm.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.