07/01/2014 1:50 PM
Vừa qua, Báo CATP có nhiều bài viết cảnh báo vụ những tỷ phú đôla dỏm về miền Tây làm từ thiện, xin đầu tư dự án hoành tráng. Số đối tượng nhắm vào nhu cầu thực tế ở những nơi cần dự án, giở “bổn cũ soạn lại”: không nghề nghiệp lại khoe khoang tiền tỷ để xin nhận. Các địa phương cần cảnh giác trước chiêu này.

Khu kinh tế ở Trà Vinh đang kêu gọi đầu tư

Bất ngờ hai phiếu hẹn... 1 tỷ đô la

So với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được xem là tỉnh nghèo. Để thu hút đầu tư, địa phương có nhiều chính sách kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực đô thị, khu công nghiệp... Lợi dụng nhu cầu trên, một số tỷ phú đôla ảo về hứa hẹn đầu tư vào các siêu dự án. Một cán bộ UBND tỉnh cho biết, khi tiếp xúc với nhà đầu tư tự giới thiệu sở hữu hàng tỷ đôla, địa phương hết sức thận trọng. Thời gian qua, nhờ cẩn thận, tỉnh đã phát hiện bộ mặt thật của các đại gia ảo. Trong lúc đang kêu gọi tham gia vào dự án tái định cư ở phường 9, TP.Trà Vinh, UBND tỉnh nhận được công văn của ông Lã Quốc Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hà Vinh (trụ sở tại phường 7, TP.Trà Vinh) xin đầu tư vào dự án trên và thực hiện các công trình khác với số vốn hàng trăm triệu đôla. Để chứng minh năng lực tài chính, ông Toàn xuất trình tờ phiếu hẹn trả tiền lên đến 1 tỷ đôla do Union Bank of Switzerland phát hành.

Nhận được công văn của phía Hà Vinh, lãnh đạo tỉnh mừng ít, lo nhiều. Chính quyền địa phương không lạ gì công ty này: đăng ký vốn chỉ 6 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh là sản xuất, xuất nhập khẩu các sản phẩm từ plastic, gốm sứ, vật liệu xây dựng, nuôi trồng thủy sản... UBND tỉnh đề nghị liên hệ với Union Bank of Switzerland và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xác minh phiếu hẹn trả tiền mệnh giá 1 tỷ đôla số sêri: AQ-83871189 là giả.

Thời điểm trên, UBND tỉnh cũng nhận được hai văn bản của Công ty TNHH đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu kinh doanh vàng Thanh Toàn (địa chỉ tại TPHCM) do ông Nguyễn Trung Nghĩa làm đại diện, xin đầu tư vào các dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, cảng thương mại, đường vành đai, khu đô thị... Ông Nghĩa cũng gởi giấy chứng minh năng lực bằng phiếu hẹn trả tiền mệnh giá 1 tỷ đôla. Điều khá bất ngờ, phiếu này trùng khớp với phiếu do Công ty Hà Vinh cung cấp, từ số sêri đến người ký. Do đó, cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện năng lực thực sự của hai “đại gia” trên. Hành vi bị lật tẩy, hai doanh nghiệp mất dạng.

Đủ kiểu xin dự án

Một cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư Trà Vinh nhớ lại, sở từng nhận tờ trình của bà Cao Thị Khuyên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuân Khánh (trụ sở tại phường 4, TP.Trà Vinh) xin đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột cá tại Cụm công nghiệp Trà Cú với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Bà này cũng trình giấy nhận nợ 1 tỷ đôla của ông Soleh, quốc tịch Indonesia, do Ngân hàng HSBC phát hành. Nhưng phía ngân hàng xác định giấy nhận nợ giả. Trước đó, với giấy nhận nợ trên, bà Khuyên đã thành lập nhiều công ty ở các tỉnh khác, xin dự án hàng trăm tỷ và bị phát hiện.

Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Hải (trụ sở tại Q. Bình Thạnh, TPHCM) và Công ty TNHH một thành viên Hoa Hùng (P9Q5, TPHCM) có tờ trình gởi UBND tỉnh Trà Vinh xin đầu tư Khu kinh tế Định An (giai đoạn 1, diện tích 15.403,7m2) và Nhà máy lọc hóa dầu với tổng giá trị 2 tỷ đôla. Trong đó, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc - cho biết vào thời điểm trên, Công ty Lê Hải và Hoa Hùng hợp tác liên doanh với Công ty tài chính Hoa Kỳ là L2G Holdings Company (L2G-HF, trụ sở đặt tại 5000 Birch Street, Suite 300, Newport Beach, CA 92660, Hoa Kỳ) với khoản tài trợ 4,5 tỷ đôla. Báo chí đăng tải, nhà đầu tư trên “hô biến”!

Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại xây dựng Hà Thành (trụ sở tại Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) do ông Nguyễn Ngọc Thành làm giám đốc, kinh doanh đa ngành nghề với vốn điều lệ 15 tỷ đồng nhưng có công văn gởi UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư xây dựng các cầu Cổ Chiên, Đại Ngãi, Quốc lộ 60, Bến cảng Trà Vinh, tàu vận tải 25 ngàn tấn với tổng số vốn lên đến 1,5 tỷ đôla. Cơ quan chức năng xác minh, vạch trần năng lực thực nên Hà Thành xin rút. Trước đó, ông Thành từng tìm đến UBND tỉnh Hậu Giang xin đầu tự dự án xây dựng 200ha tại Cụm công nghiệp sông Hậu. Địa phương yêu cầu bổ sung hồ sơ, ông này lặng lẽ rút êm. Tương tự, phía Hà Thành cũng đến UBND tỉnh Bến Tre xin đầu tư dự án Trung tâm giáo dục lao động xã hội, xây dựng cụm công nghiệp, khu dân cư Bình Phú... với số vốn lên đến 4.000 tỷ đồng. Những lần làm việc với UBND tỉnh, công ty không cung cấp được năng lực tài chính nên bị từ chối.

Trước mác tỷ đô của các đại gia, lãnh đạo địa phương cần cẩn thận coi chừng sập bẫy. Đã đến lúc cần có chế tài đối với các nhà đầu tư ảo nhận dự án để tránh những hệ lụy khôn lường.

Thiện Thảo (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.