7/91 ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu đã thất bại trong đợt kiểm tra "sức khỏe" ngành ngân hàng vừa qua.
Nhóm 7 ngân hàng này cần tăng vốn thêm 3,5 tỷ euro tương đương 4,5 tỷ USD, điều này khiến thị trường lo lắng về khả năng các quy định được áp dụng đã quá lỏng lẻo.
Trong nhóm 91 ngân hàng của đợt kiểm tra, có tới 26 ngân hàng Tây Ban Nha. Và Tây Ban Nha “vinh dự” góp 5 ngân hàng/7 ngân hàng yếu kém và buộc phải tăng vốn.
7 ngân hàng này được đánh giá không thể tiếp tục tồn tại nếu kinh tế toàn cầu khó khăn hơn hoặc phải đương đầu với cú sốc như khủng hoảng nợ Hy Lạp thời gian qua.
Theo Ủy ban giám sát ngành ngân hàng châu Âu (CEBS), nhóm ngân hàng này có mối liên hệ mật thiết đối với giới chức các nước về kết quả và lượng vốn cần tăng.
Chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng thuyết phục nhà đầu tư về “sức khỏe” của các tổ chức tài chính sau khi khủng hoảng nợ đã ảnh hưởng tiêu cực đến trái phiếu của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Chạy đua tăng vốn
Thị trường đặt nhiều dấu hỏi về “sức khỏe” thực sự của nhóm ngân hàng đã vượt qua đợt thanh tra cũng như mô hình kinh doanh trong dài hạn của họ.
Trong ngắn hạn, Ủy ban châu Âu cho biết nhóm ngân hàng “có vấn đề” trước mắt sẽ phải cố gắng tự củng cố lại vốn của họ bằng việc tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm đến chính phủ.
Các ngân hàng cần tăng tỷ lệ vốn cấp 1 lên 6% để có thể đạt chuẩn đề ra theo đợt kiểm tra, hình thức tăng vốn sẽ là phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư.
Nhóm ngân hàng cũng sẽ có thể chịu thâu tóm bởi tổ chức mạnh hơn hay tìm nhà đầu tư mới ví dụ như một quỹ thịnh vượng.
Điều này đã từng xảy ra khi vào năm 2008, tập đoàn đầu tư nhà nước của Quatar mua cổ phiếu của ngân hàng Anh Barclays và giúp ngân hàng này thoát khỏi việc bị chính phủ Anh bơm vốn và áp dụng điều kiện chặt chẽ.
Trường hợp xấu nhất, nhóm ngân hàng này có thể sụp đổ.
Nhờ chính phủ cứu?
Thế nhưng đối với một số ngân hàng quy mô trung bình của Tây Ban Nha, vốn không được công bố danh sách, lựa chọn tốt nhất là tìm đến chính phủ.
Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đã giải ngân 12 tỷ bảng tương đương 15,5 tỷ USD từ quỹ tái cơ cấu dùng để khuyến khích nhóm ngân hàng tiết kiệm trên sáp nhập và giảm chi phí.
Chính phủ Đức dành hàng tỷ USD vực dậy nhóm ngân hàng khu vực, dù phần lớn lượng vốn mới đến từ chính quyền liên bang vốn đã kiểm soát chặt chẽ các tổ chức này.
Phần lớn bởi sự hỗ trợ từ chính phủ Đức, 9 ngân hàng khu vực của Đức vượt qua đợt kiểm tra bất chấp người ta đã tính toán rằng ngân hàng Norddeutsche Landesbank sẽ thất bại.
Ông Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Tài chính Đức, trong tuyên bố ngày thứ Sáu đã nói việc cải tổ các ngân hàng khu vực vẫn còn cần thiết, thế nhưng ông không có nhiều sức mạnh trong việc buộc họ đưa ra những thay đổi này nếu các tổ chức không phụ thuộc vào chính quyền liên bang.
Đối với ngân hàng Hypo Real Estate đã thất bại trong đợt kiểm tra, kế hoạch giải cứu đã sẵn sàng. Ngân hàng sẽ xả 210 tỷ euro tài sản xấu vào một ngân hàng “bad bank” do chính phủ đảm bảo.
Ông Chris Turner, trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh ngoại hối tại ING Commercial Banking, nhận xét: “Khi ngân hàng Đức HRE đã được quốc hữu hóa, chúng tôi muốn được thấy kế hoạch từ phía Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và Ngân hàng Trung ương Hy Lạp về việc họ sẽ giải quyết thế nào đối với nhóm ngân hàng không vượt qua được đợt thanh tra. Giới chức Tây Ban Nha đã hết sức nhanh nhạy trong vấn đề này.”
Hy Lạp lập quỹ 10 tỷ euro cứu ngân hàng
Tình hình của Hy Lạp trở nên rắc rối hơn với sự thật rằng chính phủ nước này cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề tài khóa. Chính phủ Athens đang trong quá trình thành lập quỹ 10 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng bằng tiền vay từ IMF.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đã cho ngân hàng ATEBank, ngân hàng Hy Lạp duy nhất thất bại trong đợt thanh tra, thời hạn 2 tháng để đưa ra kế hoạch tăng vốn và phải thực hiện tốt kế hoạch đó trước ngày 31/12/2010.
Ủy ban châu Âu công bố chính phủ các nước có thể tiếp cận với Chương trình ổn định tài chính của châu Âu, quỹ 440 tỷ euro được thành lập vào tháng 5/2010 bởi nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu để cứu chính phủ nước thành viên đang khó khăn về tài chính.
Lựa chọn trên kém được chuộng nhất bởi các nước sẽ phải
đương đầu với điều kiện ngặt nghèo và thị trường đặt dấu hỏi lớn về xếp hạng nợ
nước ngoài của họ.
Theo đại diện cao cấp của Bỉ, các cơ quan giám sát của từng nước sẽ có quyết định riêng trong việc đánh giá kết quả của đợt kiểm tra ngân hàng và đưa ra quan điểm riêng.
Khi kết quả được công bố cuối ngày thứ Sáu, không nhiều nhà điều tiết cho biế họ sẽ tự chịu sự ràng buộc với những mốc thời gian cụ thể.
So sánh giữa đợt thanh tra ngân hàng châu Âu năm 2010 và ngân hàng Mỹ năm 2009
Theo Liên minh châu Âu, cuộc kiểm tra ngân hàng được thực hiện tại Mỹ vào năm 2009 đã được thực hiện và sau đó các ngân hàng tăng vốn, còn đợt kiểm tra ngân hàng tại châu Âu lần này lại được tiến hành sau khi các ngân hàng châu Âu đã đưa ra biện pháp hỗ trợ các ngân hàng và chính các ngân hàng đã có cơ hội cải thiện tiềm lực vốn từ trước đó.
10/19 ngân hàng Mỹ vào năm ngoái đã phải tăng vốn thêm 75 tỷ USD. Kết quả này được công bố tháng 5/2009, các ngân hàng Mỹ có thời hạn 1 tháng để đưa ra kế hoạch chi tiết và phải hoàn thành tăng vốn trước tháng 11/2009 nếu muốn tránh phải chịu bơm tiền từ Chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP).
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng sự so sánh giữa hai đợt kiểm tra là không phù hợp.
Bà Barbara C. Matthews, người đứng đầu BCM International Regulatory Analytics ở Washington, nhận xét: “Rủi ro tại châu Âu lớn hơn nhiều so với tại Mỹ.”
Nguyên nhân chính của điều này là bởi vai trò của ngân hàng trong kinh tế châu Âu lớn hơn so với Mỹ.
Theo số liệu từ Viện tài chính quốc tế (IIF), tại Mỹ, tài sản ngân hàng tương đương 83,1% GDP trong khi đó con số này tại khu vực đồng tiền chung châu Âu là 346,6%.
Vai trò của ngân hàng trong các kênh tin dụng tại châu Âu cũng lớn hơn so với Mỹ và nhóm ngân hàng châu Âu vượt qua đợt kiểm tra vừa rồi cũng có nhiều việc phải làm.
Họ cần thuyết phục nhà đầu tư rằng tiêu chí của đợt kiểm tra vừa rồi đủ khắt khe để xua tan bất kỳ nghi ngờ nào về tính ổn định của các ngân hàng và gạt đi yếu tố cản trở hệ thống châu Âu hoạt động bình thường.
Nhóm ngân hàng khác đã vượt qua đợt thanh tra có thể chịu áp lực từ thị trường việc việc nâng dự trữ bắt buộc.
Nhóm ngân hàng hoạt động liên biên giới tại châu Âu cho đến nay chưa chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các ngân hàng chi nhánh. Mới chỉ tuần này thôi, người ta đã sợ hãi về khi chính phủ Hungary ngại ngần tìm đến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ ảnh hưởng xấu đến các chi nhánh.
Những vấn đề tồn tại xung quanh các ngân hàng châu Âu sẽ có thể dẫn đến các ngân hàng châu lục này phải chịu “khổ sở” như ngân hàng Nhật thập niên 1990 và cuối cùng phải tái cơ cấu mạnh tay.
Ông Nick Kojucharov, chuyên gia về khu vực châu Âu tại Goldman Sachs, nhận xét cổ phiếu các ngân hàng châu Âu cho đến nay đi xuống bởi thiếu thông tin về tình hình tài chính thực.
Đợt thanh tra sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Ông Kojucharov nói: “Kết quả sẽ định giá lại cổ phiếu các ngân hàng. Nếu cổ phiếu ngân hàng hồi phục, đợt kiểm tra hẳn sẽ mang lại kết quả đúng theo kỳ vọng.”
Cafeland.vn
Theo Nytimes