Kết quả thanh tra ban đầu, Lãnh đạo Tp.Hà Nội cho biết người của chủ đầu tư (chứ không phải cán bộ tài nguyên môi trường) đã gợi ý bôi trơn và phổ biến cho các hộ dân nộp tiền làm sổ đỏ nhanh. Xâu chuỗi thị trường gần đây, người mua nhà chưa bao giờ hết… bị động trước pháp luật.
Chênh mua dự án, “xưa như Diễm”
Tháng 6/2011, giông bão giáng xuống UDIC Land, bắt đầu từ tình tiết cơ quan công an bắt quả tang 3 cán bộ sàn UDIC nhận gần 4,4 tỷ đồng tiền chênh trong vụ mua bán nhà liền kề khu K Yên Hòa (do UDIC làm chủ đầu tư).
Sau đó ít ngày, tới lượt Tổng Giám đốc Sàn, ông Trương Chiến Bình, tra tay vào còng để phục vụ điều tra hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản với khoản tiền chênh trên 50 triệu đồng cho mỗi m2 giao dịch thực tế (so với hợp đồng ký kết), cộng thêm khoảng 30 tỷ đồng mà UDIC Land thu về thông qua giao dịch thành công 7/12 căn liền kề thấp tầng.
Tháng 10/2012, đến lượt liên doanh chủ đầu tư An Khánh JVC đi vào vết xe đổ của UDIC Land. Tóm lược như sau: hàng trăm khách hàng phản ánh đã phải chi trả thêm hàng trăm triệu đồng tiền chênh cho các sàn giao dịch BĐS do nhân viên của chủ đầu tư (dự án Splendora Bắc An Khánh Hoài Đức) chỉ định, để hướng dẫn chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán.
Về phần sàn Simco Sông Đà và Công ty EMIS (2 đơn vị trực tiếp thu tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS), số tiền thực thu của khách lại vượt ngót cả trăm triệu đồng so với thực nộp cho cơ quan Thuế - thể hiện bằng giấy xác nhận nộp tiền trả cho khách.
Hai năm trước, dự án nhà giá rẻ Đại Thanh bắt đầu “khuấy” địa ốc Hà Nội bằng kiểu bán hàng không giống ai, cùng mức chênh 60 - 100 triệu đồng/suất mua căn hộ.
Mở bán lúc chạng vạng, thông báo bất ngờ và hạn chế số lượng sản phẩm giá gốc, cư dân Thủ đô hay thậm chí cánh báo đài luôn “vắt chân lên cổ” mới mong kịp “phiên chợ” diễn ra tại sàn Mường Thanh.
Tiếp cận và vận dụng pháp luật, DN vẫn hơn người dân “một cái đầu”?!
Đủ câu hỏi về cách làm ăn, kinh doanh của đại gia Thản. Không thiếu nghi ngờ về khả năng DN này tiếp tay cho trốn thuế, chất lượng chung cư xuống cấp hay cơ bản vẫn là cảnh “mua chênh, bán chênh” ngay tại sàn của DN…
Nhưng tới lúc này, đâu vẫn đóng đấy, đơn giản bởi những hoạt động vừa nêu không bị pháp luật cấm (đơn cử như việc thoải mái viết giấy chuyển nhượng, sang tên trước thời điểm ký kết hợp đồng mua bán).
Và bôi trơn làm sổ đỏ
Phản ánh của đại biểu Quốc hội đã được chính quyền và ban ngành thanh tra sở tại tiếp thu và cụ thể hóa bằng hàng loạt hoạt động kiểm tra, rà soát thực tế. Dấu hiệu tiêu cực (gợi ý, phổ biến cho cư dân) của nhân viên của chủ đầu tư sẽ phải chờ cơ quan điều tra vào cuộc, sau khi thanh tra Thành phố chuyển tài liệu, hồ sơ liên quan theo quy định pháp luật.
Phản hồi mới đây từ Tp.Hà Nội, “đầu mối” của vụ việc được khoanh vùng đối tượng nhân viên của chủ đầu tư. Trả lời này phần nào đã gián tiếp trả lời những thông tin mà Chánh thanh tra Tp.Hà Nội cung cấp trước đó.
Cụ thể, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Tuấn Dũng thừa nhận: trong quá trình thanh tra thu thập tài liệu và đối thoại với người dân, Thanh tra Thành phố chưa có tài liệu làm căn cứ để kết luận việc có đường dây làm sổ đỏ từ cơ sở lên Sở TN&MT.
Nhiều người đặt giả thiết, sau khi bóc tách trách nhiệm trong vụ lùm xùm này, chỉ có một vài nhân viên thuộc cấp (của chủ đầu tư) bị đưa ra “xử điểm”. Đồng thời, công tác rà soát việc thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ cho cư dân ở địa bàn Hà Nội sẽ được… rốt ráo hơn.
Vấn đề ở chỗ, cơ quan chức năng có thể xác minh được toàn bộ những trường hợp sai phạm liên quan tới hoạt động bôi trơn để làm sổ đỏ đã trót lọt?
Ở góc độ khác, những cá nhân, hộ gia đình đã chấp nhận đóng thêm khoản “phí không tên” để nhanh có sổ (và đã có sổ tới lúc này) liệu có muốn công khai “vạch mặt” chủ đầu tư sau khi TSQ, Hapulico, Mễ Trì được đưa ra trước ánh sáng?
Một cơ sở để trả lời, đó là “băng ghi âm chưa đủ cơ sở chứng minh vi phạm” - đại diện Thanh tra Hà Nội khẳng định. Đây là công cụ đấu tranh gián tiếp, điều này hoàn toàn đúng theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự.
Chiếu theo điều 81, 82, 83, file ghi âm (lén) giữa cư dân và đối tác (giả sử là nhân viên của chủ đầu tư) chỉ được coi là chứng cứ khi người dân xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của đoạn băng hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm.
Đơn cử: biên bản làm việc (có chữ ký của cả hai bên) cùng thời điểm ghi âm hoặc văn bản xác nhận hai bên đã gặp mặt, có lịch làm việc cùng nhau. Đồng thời phía bị ghi âm phải thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của họ hoặc có kết luận của cơ quan giám định…
Nếu không thỏa mãn các điều kiện trên, đoạn ghi âm chỉ là mang giá trị tham khảo (thay vì giá trị chứng minh, xác định sự thật).
Không phiếu thu, cũng chẳng biên lai, trong khi bằng chứng duy nhất mà cư dân cung cấp cho cơ quan chức năng chỉ có băng ghi âm… phải chăng đó là lý do lãnh đạo Công ty CP Phát triển nhà và đô thị Hà Nội tỏ ra tự tin trước công luận: “Kết luận của Thanh tra Thành phố là chung chung và không có căn cứ… Toàn bộ nhân viên của Công ty không ai nhận tiền “bôi trơn” để làm sổ đỏ”.
Không có thêm bằng chứng hợp thức và hợp pháp để chứng minh kết luận, rất có thể chủ đầu tư chỉ bị xử lý vì hành vi “phổ biến nhưng lại không nhận tiền của cư dân”.
-
Bôi trơn sổ đỏ: Dân tố mất tiền, thanh tra không thấy
Sau khi kiểm tra về công tác cấp sổ đỏ tại các dự án khu đô thị, cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư cũng như khó khăn của người dân.
-
Bộ TNMT lên tiếng vụ “bôi trơn” sổ đỏ tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang vừa ký văn bản trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về tình trạng nhũng nhiễu và tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ tại Hà Nội.