Theo các nhà phân tích, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp khuyến khích để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đại lục khi doanh số bán nhà trong tháng 4 dường như sẽ tăng lên.

Raymond Cheng, CEO CGS-CIMB Securities, trích dẫn dữ liệu từ CRIC, một nhà môi giới bất động sản lớn ở Trung Quốc, cho biết doanh số bán nhà sơ bộ vào tháng 4 đối với các nhà phát triển chủ chốt của Trung Quốc “có vẻ bình thường”.

“Do bất động sản là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong thời gian còn lại của năm nay nếu doanh số bán nhà vẫn yếu”, ông Raymond Cheng chia sẻ.

CRIC dự kiến 25 nhà phát triển bất động sản niêm yết lớn nhất Trung Quốc sẽ chứng kiến doanh số bán nhà ở/dự án trong tháng 4 giảm trung bình 17% so với tháng trước, nhưng tổng doanh số bán nhà trên tất cả tỉnh/thành phố có thể sẽ tăng lên.

Theo số liệu của CGS-CIMB Securities, Guangzhou R&F Properties dường như là nhà phát triển bất động sản sẽ bị sụt giảm doanh thu 46% xuống còn 2,11 tỷ nhân dân tệ, mức giảm lớn nhất trong số các công ty xây dựng nhà ở niêm yết của Trung Quốc.

Ông Cheng cho rằng lý do dẫn tới điều này là vì niềm tin của người mua nhà tại Trung Quốc vẫn còn yếu khi nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán nhà trong tháng 4 tại Trung Quốc được dự đoán tăng 35%, song mức tăng này không được đánh giá cao bởi tháng 4/2022 vẫn là thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, dẫn đến doanh số bán nhà lao dốc.

Ngành bất động sản của Trung Quốc, được coi là quá lớn để có thể sụp đổ vì nó và các lĩnh vực liên kết chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế quốc gia, đã phục hồi phần nào sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện một loạt biện pháp để cứu trợ lĩnh vực này.

Chúng bao gồm việc loại bỏ các hạn chế đối với việc mua nhà ở một số thành phố, cắt giảm lãi suất thế chấp và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn nhằm giảm bớt tình trạng siết chặt thanh khoản đối với các nhà phát triển bất động sản.

Đáng chú ý, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho các khoản vay quỹ tiết kiệm nhà ở vào ngày 1/10/2022 và hiện lãi suất này ở mức 2,6%. Trong khi đó, khoản vay thế chấp trung bình từ các ngân hàng thương mại là khoảng 4% trong tháng 4, theo Viện nghiên cứu Beike.

Fion He, giám đốc nghiên cứu tại công ty con của Midland Realty ở Thâm Quyến, cho biết: “Đây là giai đoạn rất quan trọng trong năm nay để ổn định thị trường nhà ở và không làm suy yếu niềm tin của người mua, do đó chúng tôi đang thấy nhiều biện pháp hơn để giúp lĩnh vực này phục hồi”.

Chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc. Ngày 30/4, nơi được coi là trung tâm tài chính của Trung Quốc, Thượng Hải, tuyên bố những người mua nhà có nhiều hơn một con có thể đăng ký khoản vay thêm 20% từ quỹ tiết kiệm nhà ở của họ. Vì đây là một khoản vay rẻ hơn nhiều so với các khoản vay thế chấp thương mại, nên chính sách này giúp những người mua nhà có nhiều con có thể vay được khoản vay lớn hơn.

Trước đây, số tiền mà một người mua nhà có thể vay từ quỹ tiết kiệm nhà ở được giới hạn ở mức 1,2 triệu nhân dân tệ (173.608 USD). Mức tối đa bây giờ là 1,44 triệu nhân dân tệ.

Một thành phố cấp một khác, Quảng Châu, đã triển khai các biện pháp tương tự, cho phép những người mua lần đầu có hai con trở lên được vay khoản tiền cao hơn 30% từ quỹ tiết kiệm nhà ở của họ.

Mặt khác, kết quả hoạt động tài chính của một số nhà phát triển lớn tiếp tục không đạt kỳ vọng. Chẳng hạn, China Vanke đã báo cáo kết quả quý đầu tiên “đáng thất vọng” với lãi ròng giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Phía công ty nhận thấy “các quỹ đất mới hoạt động không hiệu quả, qua đó dẫn đến tình trạng tiếp tục bán hàng kém hiệu quả trong ba tháng đầu năm”.

Anh Nguyễn (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.