Theo báo cáo, hiện nay Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba tăng trưởng GDP toàn cầu. Điều đó đúng, nhưng một thống kê thú vị hơn là trong 10 năm trước đại dịch, trung bình Trung Quốc chiếm gần một nửa - thực tế là 47% - tăng trưởng đầu tư toàn cầu.

Vì chi tiêu cho đầu tư là động lực của thương mại và nhu cầu hàng hóa, nên Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong việc định hình chu kỳ đầu tư toàn cầu. Có nghĩa là, bất kỳ nền kinh tế mở hoặc phụ thuộc vào hàng hóa nào cũng trở thành “phụ thuộc vào Trung Quốc”. Điều đó đúng với mọi quốc gia, từ Đức đến Brazil.

Nhưng sự thống trị của Trung Quốc trong chu kỳ đầu tư toàn cầu sắp kết thúc, không phải vì nước này sẽ đầu tư ít hơn mà là vì Mỹ và châu Âu đang cam kết đầu tư nhiều hơn.

Theo lý thuyết, đây sẽ là một tin tốt cho tăng trưởng toàn cầu. Nhưng vì chủ nghĩa dân tộc trong hoạt động kinh tế là lý do lớn để các quốc gia phương Tây tăng cường chi tiêu vào đầu tư, kinh tế thế giới sẽ không được hưởng lợi nhiều. Thay vào đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của những nền kinh tế tự chủ.

Sự thống trị của Trung Quốc trong chu kỳ đầu tư toàn cầu trong những năm gần đây xuất phát từ hai xu hướng, cả hai đều có nguồn gốc từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khi khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc đã ngay lập tức kích thích tăng trưởng bằng cách tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bất động sản. Trong khi đó, các chính phủ phương Tây lại phản ứng trái ngược với khủng hoảng bằng cách thắt lưng buộc bụng, khiến việc chi tiêu cho đầu tư giảm xuống. Họ cho rằng các chi tiêu cho đầu tư “có thể trì hoãn” và không cấp bách. Tại châu Âu, chi tiêu cho đầu tư của khu vực tư nhân cũng cực kỳ yếu, giảm liên tục trong thập kỷ qua.

Do đó, nếu loại trừ Trung Quốc, phần còn lại của tỷ lệ đầu tư trên GDP của thế giới hiện nay còn thấp hơn cả trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng chính chi tiêu cho đầu tư mới là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP, vì nó phản ánh nỗ lực của một nền kinh tế trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hoặc mua máy móc và xây dựng các tòa nhà cần thiết để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Gần đây, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê duyệt Dự luật việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này hứa hẹn sẽ có khoảng 550 tỷ đô la đầu tư mới của liên bang vào cầu đường, cơ sở hạ tầng cấp nước, và internet.

Trong khi đó, chương trình phục hồi của EU đang được triển khai để giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch, làm cho các nền kinh tế và xã hội châu Âu bền vững hơn, có khả năng phục hồi hơn. Đây cũng là cách để chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế xanh.

Cả hai kế hoạch trên của Hoa Kỳ và EU đều nhằm mục đích nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đa dạng hóa và đảm bảo chuỗi cung ứng theo cách thức có thể hỗ trợ các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Sự nhiệt tình này của các chính phủ phương Tây đối với chi tiêu cho đầu tư sau nhiều năm bị lãng quên phần lớn được thúc đẩy bởi chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương. Nhưng mong muốn cạnh tranh với Trung Quốc cũng là nguyên nhân quan trọng.

Tại Mỹ, báo cáo tháng 6 của Nhà Trắng về "xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi" là một bản phân tích dài 250 trang nhằm mục đích giảm thiểu các lỗ hổng của Hoa Kỳ đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bốn lĩnh vực: chất bán dẫn, pin dung lượng lớn, dược phẩm có hoạt tính, khoáng chất và vật liệu quan trọng.

Báo cáo lập luận rằng sự thiếu hụt trong tất cả các lĩnh vực này một phần là do “năng lực sản xuất của Hoa Kỳ không đủ”. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ không hỗ trợ các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước ngoài như trước đây. Đằng sau nỗ lực tự chủ của Mỹ là mong muốn quản trị nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào đối thủ Trung Quốc.

Nhưng không chỉ phương Tây đầu tư nhiều hơn vào nỗ lực cải thiện khả năng tự chủ của nền kinh tế.

Ở Trung Quốc, các chính sách giờ đây bị ảnh hưởng bởi “chiến lược lưu thông kép”, lần đầu tiên được thông qua vào tháng 5 năm ngoái. Chiến lược này sẽ thúc đẩy “mô hình phát triển mới gồm hai vòng tuần hoàn trong đó thị trường trong và ngoài nước có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, với thị trường trong nước là trụ cột”.

Mục tiêu cuối cùng là tìm kiếm sự độc lập lớn hơn cho nền kinh tế bằng cách tối đa hóa sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc. Chiến lược này có thể làm gia tăng mâu thuẫn thương mại giữa các quốc gia, khiến môi trường kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khắt khe hơn với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo chiến lược này, Trung Quốc tiếp tục mạnh tay chi tiêu cho đầu tư vào chất bán dẫn, AI, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, các ngành công nghiệp ô tô và hàng không vũ trụ.

Về lý thuyết, hoạt động đầu tư nhiều hơn sẽ khiến tất cả chúng ta lạc quan hơn về tăng trưởng. Nhưng nếu tất cả các khoản đầu tư này đều hướng nội, nhằm mục đích thay thế thương mại toàn cầu hơn là bổ sung cho nó, thì rất khó để thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn thế giới.

Chủ đề: Kinh tế thế giới,
Lam Vy (FT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.