Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương sẽ hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản thông qua các khoản vay đặc biệt từ các ngân hàng chính sách.
Tờ Caixin xác nhận từ một số nguồn tin độc lập rằng các khoản vay ban đầu sẽ được cung cấp bởi China Development Bank (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc) và Agricultural Development Bank of China (Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc). Trong khi đó, Export-Import Bank of China (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc) có thể sẽ tham gia cùng hai ngân hàng trên trong tương lai.
Một cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã khiến nguồn cung dự án mới sụt giảm và khiến khoảng 5% dự án chung cư hiện tại bị đình trệ, qua đó khiến người mua nhà tức giận và đe dọa sẽ không thanh toán các khoản lãi vay thế chấp cho tới khi được bàn giao tài sản.
Việc người mua nhà đe dọa sẽ không thanh toán các khoản vay thế chấp làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ lan rộng, “bóp nghẹt” các ngân hàng Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với vấn đề thanh khoản của các tập đoàn bất động sản.
Chính phủ trung ương sẽ hỗ trợ mức lãi suất 1% đối với các khoản vay cho các ngân hàng áp dụng chính sách trong thời gian không quá hai năm, theo các nguồn tin. Người đi vay sẽ là chính quyền thành phố, và các khoản vay đặc biệt sẽ được ghi nhận là nợ của chính quyền địa phương.
Về nguyên tắc, các khoản vay của chính quyền địa phương được thực hiện không quá ba năm. Trong hai năm đầu, lãi suất sau trợ cấp sẽ là 2,8% và trong năm thứ ba sẽ tăng lên 3,2%. Nếu các khoản vay không được hoàn trả sau ba năm, lãi suất sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm thứ ba.
Các nhà quản lý đã làm rõ rằng quỹ hỗ trợ quốc gia trị giá 200 tỷ nhân dân tệ này không nhằm mục đích kích thích thị trường bất động sản hoặc giải cứu các nhà phát triển. Các quỹ sẽ bị giới hạn nghiêm ngặt trong việc xây dựng và bàn giao các dự án khu dân cư đã được bán hoặc bị đình trệ do khó khăn về tiền mặt của các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý cho biết.
Tờ Caixin cho biết chính quyền địa phương sẽ thông qua các dự án nhà ở địa phương và xem xét tài sản cũng như các khoản nợ phải trả của những chủ đầu tư trước khi cho vay vốn.
Theo một nguồn tin thân cận, chính quyền sẽ nhận đơn xin vay vốn của các nhà phát triển bất động sản tới tháng 3/2023.
Người mua nhà ở Trung Quốc đã ngừng thanh toán đối với hơn 100 dự án chung cư được bán trước tại hơn 50 thành phố kể từ tháng 7 như một động thái để phản đối về việc chậm bàn giao tài sản của các chủ đầu tư thiếu tiền, theo Công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC). Một số người mua nhà cáo buộc các chủ đầu tư lạm dụng tiền bán hàng trong khi lôi kéo việc xây dựng.
Tháng trước, cơ quan quản lý ngành ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà ở và Ngân hàng Trung ương, đồng thời hỗ trợ các chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển giao dự án nhà ở và bảo vệ sinh kế của người dân.
Ngày 28/7, cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động để "ổn định thị trường bất động sản" và sử dụng "các chính sách đặc thù của thành phố". Cơ quan này cũng nói với chính quyền địa phương rằng họ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo "giao hàng kịp thời" cho những dự án đang được xây dựng dở dang mà đã được người dân thanh toán.
Kể từ tháng 7, hơn 10 thành phố tại Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp khác nhau để đảm bảo thời gian giao nhận các dự án nhà ở. Nhiều chính quyền địa phương đã lên kế hoạch thành lập quỹ cứu trợ và giới thiệu các công ty do chính phủ hậu thuẫn tham gia vào các dự án bị đình trệ.
Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, nơi chứng kiến mức độ đe dọa ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp của người mua nhà nhiều bậc nhất Trung Quốc, đã đưa ra một quỹ cứu trợ trị giá 10 tỷ nhân dân tệ để tận dụng sự đóng góp từ các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nhằm mục đích hoàn thành việc xây dựng các dự án còn dang dở.
-
Dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc cả năm 2022: Giá nhà và doanh số đều giảm
Triển vọng thị trường nhà ở Trung Quốc dự kiến sẽ không mấy sáng sủa trong phần còn lại của năm 2022 khi tâm lý người mua nhà vẫn rất thận trọng. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán giá nhà sẽ giảm trong cả năm 2022 và tin rằng doanh số bán bất động sản sẽ giảm sâu hơn so với các dự báo trước đó.
-
Những bài học rút ra từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc
Trong suốt năm qua, việc thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ đã khiến nhiều người bắt đầu có những ánh nhìn khác về lĩnh vực này. Đồng thời, sự lao dốc của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng là lời cảnh tỉnh cho các thị trường khác trên thế giới.
-
Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch phát hành 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) khoản vay đặc biệt để giúp các nhà phát triển hoàn thành các dự án nhà ở bị chậm tiến độ.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.