21/12/2015 7:46 AM
Sau vụ Ban quản trị tòa nhà Chung cư D11 (Cầu Giấy, Hà Nội) kiện chủ đầu tư là CTCP Đầu tư xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) ra tòa để đòi quỹ bảo trì, sắp tới đây, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến vụ kiện tương tự thứ 2.

Vụ tranh chấp quỹ bào trì tại Chung cư N07-1 và N07-2, Khu đô thị Sài Đồng diễn ra nhiều tháng nay.(Ảnh: Trọng Tuyến)

Tại số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về vụ việc tranh chấp quỹ bảo trì giữa Ban quản trị nhà Chung cư N07-1 và N07-2, Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) với chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5). Vụ tranh chấp này xem ra khó giải quyết bằng đối thoại khi bên nào cũng cho là mình đúng.

Cụ thể, theo phản ánh của Ban quản trị Chung cư N07-1 và N07-2, thay vì bàn giao số tiền gần 6 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị, Handico 5 lại yêu cầu Ban quản trị phải lấy được ý kiến bằng văn bản đối với toàn bộ cư dân. Việc làm này theo phía Ban quản trị là bất khả thi, chủ yếu gây khó dễ cho việc bàn giao quỹ bảo trì. Bởi Tòa N07-1 và N07-2 với 192 căn hộ, chỉ có 99 căn có người ở thường xuyên, 50 căn hộ đang cho thuê, 10 căn hãn hữu mới có người ở và 33 căn hộ chủ nhân chưa nhận nhà. Tuy nhiên, theo Handico 5, việc không bàn giao quỹ bảo trì là do Công ty chưa tin tưởng vào Ban quản trị.

Theo khẳng định ông Trần Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty Handico 5, doanh nghiệp này chỉ bàn giao nhà khi BQT lấy được ý kiến bằng văn bản có chữ ký của các chủ sở hữu căn hộ, hoặc khi cơ quan chức năng có ý kiến yêu cầu phải bàn giao quỹ bảo trì.

Tại Công văn số 522, ngày 4/12/2015 gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan, Handico 5 cho biết, doanh nghiệp đã tiến hành phát phiếu khảo sát ý kiến cư dân về việc bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà. Kết quả, trong số 75 hộ được phát phiếu, có đến 49 hộ có ý kiến không đồng ý bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị hiện thời.

Chính vì tỷ lệ cư dân không đồng ý bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị cao, nên chủ đầu tư chưa thể bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.

Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lại Thế Mân, Trưởng Ban quản trị tòa nhà cho biết, cuộc khảo sát của chủ đầu tư là thiếu khách quan. Bởi trong phiếu khảo sát, chủ đầu tư nêu việc chuyển quỹ bảo trì vào tài khoản cá nhân Trưởng Ban quản trị, chứ không phải là tài khoản đồng sở hữu mà Trưởng Ban quản trị chỉ là người đại diện. Chính việc đưa thông tin thiếu chính xác, nên kết quả khảo sát của chủ đầu tư không đáng tin cậy.

Do không thể đối thoại để giải quyết vụ việc, mới đây, Ban quản trị Chung cư N07-1 và N07-2 đã thông qua Công ty Luật Hồng Thái có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và UBND quận Long Biên yêu cầu cưỡng chế chủ đầu tư Handico 5 bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Hồng Thái cho biết, công văn đề nghị Thành phố cưỡng chế quỹ bảo trì tòa nhà N07-1 và N07-2 đã được đơn vị này gửi ngày 1/12/2015. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này vẫn chưa nhận được trả lời từ cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Thái, trong trường hợp này, chủ đầu tư đã cố tình chây ỳ và cố ý gây khó khăn trong việc chuyển giao phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà. Việc UBND quận Long Biên có văn bản yêu cầu cư dân lấy ý kiến toàn bộ cư dân cũng không có căn cứ. Vì không có quy định nào của luật có điều khoản yêu cầu Ban quản trị phải lấy ý kiến bằng văn bản toàn bộ chủ sở hữu căn hộ mới được chuyển giao quỹ bảo trì.

Cũng theo luật sư Thái, việc kiện chủ đầu tư ra tòa đòi quỹ bảo trì đã được cư dân nghĩ đến. Tuy nhiên, đây sẽ là giải pháp cuối cùng, bởi Ban quản trị đang chờ đợi quyết định cưỡng chế của UBND TP. Hà Nội, khi Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 đã chính thức có hiệu lực.

  • Vụ tranh chấp phí bảo trì dự án Sài Đồng: Ông nói gà, bà nói vịt

    Vụ tranh chấp phí bảo trì dự án Sài Đồng: Ông nói gà, bà nói vịt

    Trong khi Ban quản trị (BQT) tòa N07-1 và N07-2, Khu đô thị Sài Đồng tố chủ đầu tư chây ỳ hàng năm trời nghĩa vụ bàn giao quỹ bảo trì, thì chủ đầu tư lại khẳng định vẫn đang làm đúng quy trình. Thậm chí, chủ đầu tư còn cho rằng, vẫn chưa muốn bàn giao vì thiếu sự tin tưởng vào BQT hiện nay.

Trọng Tuyến (Đầu tư bất động sản)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.