13/08/2011 3:14 AM
Hệ lụy từ những bản hợp đồng “mua nhà trên giấy” đang đẩy khách hàng của nhiều dự án chung cư vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Tranh chấp mua nhà chung cư: Khách hàng ‘cầm dao đằng lưỡi’
Chung cư EuroLand lẽ ra được bàn giao từ ngày 30/6/2011,
nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Ảnh: Quang Hưng

Gần 100 khách hàng đặt mua căn hộ Dự án Chung cư EuroLand (Làng Việt kiều châu Âu, Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) vừa trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ khi đã ký vào những bản hợp đồng mua nhà chung cư “trên giấy” do chủ đầu tư soạn sẵn.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng, Dự án Chung cư EuroLand chưa được xây dựng, các căn hộ mới chỉ có trên bản vẽ. Đến khi dự án hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng, thì hàng loạt vấn đề phát sinh tranh chấp liên quan đến chất lượng xây dựng công trình, tiến độ thanh toán… và thua thiệt bao giờ cũng nghiêng về phía khách hàng.


Theo Hợp đồng mua bán căn hộ số 525/HDBCC–TSQ ký ngày 3/9/2009 giữa ông Nguyễn Văn Yên, Phó tổng giám đốc Công ty TSQ Việt Nam với khách hàng Hoàng Thị Thanh N., việc xác định giá trị căn hộ là 16.043.400 đồng/m2. Tuy nhiên, hợp đồng lại được “thòng” theo một điều khoản là “Giá trên được xác định tại ngày ký hợp đồng và được tính trên cơ sở tỷ giá bán ra đồng đô la Mỹ (USD) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 1 USD = 17.826 đồng. Phát sinh hợp đồng được tính tăng hoặc giảm nếu mức điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam công bố tăng hoặc giảm 2% so với thời điểm ký hợp đồng”. Số tiền mà khách hàng phải trả thêm cho chủ đầu tư do chênh lệch tỷ giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trong mỗi lần thanh toán.


Một hợp đồng mua bán nhà ở của người Việt Nam, thực hiện trên đất Việt Nam, nhưng lại chịu ràng buộc do biến động với một loại tiền tệ không phải của Việt Nam xem ra không hợp lýù. Trong khi đó, lịch trình thanh toán của hợp đồng bán căn hộ được chủ đầu tư quy định rõ ràng đến từng ngày, song không ràng buộc gì giữa việc khách hàng trả tiền với tiến độ xây dựng dự án. Tại Dự án Chung cư EuroLand, căn hộ xây thô dự kiến được bàn giao vào ngày 30/6/2011, nhưng chủ đầu tư lại giành cho mình quyền chủ động bàn giao sớm hoặc muộn trong thời gian 6 tháng.


Theo bà N., vào quý III/2009, Bên bán đã ký hợp đồng bán căn hộ cho Bên mua, hợp đồng này đã được Bên bán soạn sẵn. Trong Hợp đồng, Bên bán đã điều chỉnh và bổ sung một số điều so với Hợp đồng góp vốn nhằm mang lại nhiều quyền lợi hơn cho Bên bán và càng đẩy Bên mua vào thế gặp nhiều bất lợi, rủi ro và thiệt hại lớn hơn.


Trong công văn trả lời kiến nghị khách hàng mới đây, Công ty TSQ Việt Nam (chủ đầu tư Dự án EuroLand) cho rằng, họ và khách hàng đã ký hợp đồng mua bán nhà hết sức rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, trong hợp đồng ghi rõ: “...hai bên đã bàn bạc và thống nhất toàn bộ các nội dung của hợp đồng này. Hai bên cam kết thực hiện hợp đồng trên cơ sở đồng thuận, am hiểu pháp luật và ký hợp đồng trong trạng thái minh mẫn, tự chủ...”. Do vậy, việc khách hàng khiếu kiện “trong bối cảnh nhiều người dân có nhu cầu mua chung cư để ở, nhưng rất ít chung cư được rao bán”, nên khách hàng vẫn ký hợp đồng với tâm lý “mua lấy được” không phải là do lỗi của công ty và doanh nghiệp này sẵn sàng “hầu toà” nếu nhận được đơn khởi kiện từ phía khách hàng.


Theo TSKH. Đặng Hùng Võ, Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã có những điều chỉnh và đưa ra một số quy tắc và khung về việc bán nhà trên giấy để phòng tránh và giảm thiểu rủi ro xảy ra. Ở đây, chúng ta nhìn nhận một thực tế có thể xảy ra rủi ro qua việc mua bán “nhà trên giấy”. Cụ thể, về chất lượng, cam kết hợp đồng một đằng, nhưng chủ đầu tư có thể không làm đúng; về giá cả, lúc góp vốn ban đầu, chủ đầu tư cam kết một đằng, nhưng khi ký hợp đồng mua bán, bằng cách biện pháp kỹ thuật nào đó, như điều chỉnh tỷ giá, để tính giá cao hơn...


Theo ông Võ, để hạn chế tình trạng trên, quan trọng là quy trình kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ đầu tư; giám sát của bản thân những người góp vốn đối với việc thực hiện hợp đồng của chủ đầu tư. Với các hợp đồng mua bán “nhà trên giấy”, cần có sự hiện diện của bên thứ 3 là một ngân hàng thương mại nắm vốn có khả năng điều chỉnh được cả người góp vốn lẫn chủ đầu tư. “Theo tôi, đây là một biện pháp cần thiết để chúng ta tránh những rủi ro về tài chính”, ông Võ nói
Theo Hà Quang (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.