30/11/2020 10:40 AM
Khoảng 52% DN cho biết gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; 38,2% DN chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng.

Xếp thứ hạng cao nhất trong số các thủ tục hành chính của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Doing Business 2020 (Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020), nhưng thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng chưa làm doanh nghiệp an tâm.

Các Dự án đầu tư xây dựng thường gặp nhiều khó khăn liên quan việc cấp phép, giải phóng mặt bằng... Ảnh: Dũng Minh

Các dự án đầu tư xây dựng thường gặp nhiều khó khăn liên quan việc cấp phép, giải phóng mặt bằng... Ảnh: Dũng Minh

Những trải nghiệm mà doanh nghiệp không mong muốn

“Trần ai” là từ mà bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) dùng khi trao đổi về thực tế thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng.

“Tôi đã từng trực tiếp đi làm thủ tục cấp phép xây dựng, thấy rõ thực tế không như những gì các nhà hoạch định chính sách mong muốn”, bà Thảo thẳng thắn.

Ngồi trên bàn chủ tọa, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã lắng nghe những trải nghiệm từ thực tế.

Thực ra, những “trần ai” khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng mà doanh ngiệp nêu ra không mới. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, với tỷ lệ lần lượt là 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp phải.

Hoạt động đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư xây dựng thông thường thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND cấp tỉnh hoặc huyện. Trên thực tế, đền bù và giải phóng mặt bằng là giai đoạn thường phát sinh khúc mắc với chủ sử dụng đất, đặc biệt ở các dự án đầu tư xây dựng lớn, khi doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện qua thỏa thuận. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, tranh chấp, khiếu kiện đất đai dễ xảy ra, khiến các dự án bị đình trệ, kéo dài.

Ở thời điểm trả lời khảo sát, khoảng 52% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan nhà nước.

“Với doanh nghiệp, cơ quan nào cũng là cơ quan nhà nước, nên việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng hoặc cán bộ thanh tra “gây khó khăn” đều là những trải nghiệm doanh nghiệp không mong muốn. Chúng tôi tin rằng, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan thanh tra ở các cấp, đồng thời với việc công khai, minh bạch trong hoạt động thanh, kiểm tra xây dựng là rất cần thiết để giải tỏa áp lực này cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phân tích.

Đề xuất các cơ quan quản lý hoạt động thanh tra xây dựng có thể nghiên cứu hình thức thanh tra trên cơ sở rủi ro - hình thức đã được nhiều bộ, ngành (thuế, hải quan...) áp dụng cũng được đặt ra.

Hai thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy được doanh nghiệp thường xuyên thực hiện nhất, nhưng việc tuân thủ những thủ tục này của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn, với tỷ lệ doanh nghiệp than phiền lần lượt là 38,3% và 34%...

Hướng cải thiện thủ tục hành chính

So với các thủ tục hành chính mà Ngân hàng Thế giới (WB) sử dụng để xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam, chỉ số về cấp phép xây dựng đang đứng ở vị trí tốt nhất. Trong lần xếp hạng công bố tháng 10/2019, chỉ số này đứng 25/190 nền kinh tế, là chỉ số có xếp hạng tốt nhất của nước ta, đứng trong nhóm 30 nước dẫn đầu. Năm nay, do Covid-19, WB không thực hiện khảo sát xếp hạng và như vậy, thủ tục cấp phép xây dựng được giữ nguyên ngôi vị.

“Đây là chỉ số tốt nhất của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Doing Business, nhưng tốt nhất trên văn bản. Nghĩa là, chúng ta đã tiệm cận những thông lệ tốt về quy định, nhưng doanh nghiệp còn vướng, người dân còn vướng là gợi ý rất tốt cho những hành động tới đây của Bộ Xây dựng. Hơn thế, tổng thời gian để hoàn tất 10 bước của thủ tục cấp phép xây dựng vẫn đứng yên (166 ngày) nhiều năm nay cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”, bà Thảo gửi gắm mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, khảo sát thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng năm 2020 của VCCI đã phát hiện một số điểm có thể mở ra hướng cải thiện cho các thủ tục hành chính.

Thứ nhất, doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện các thủ tục hơn khi được trực tiếp làm việc với các… doanh nghiệp khác. Cụ thể là, thực hiện thủ tục cấp thoát nước thì làm việc với doanh nghiệp cấp nước và kết nối; tương tự, cấp điện thì làm việc với các công ty điện lực. Đây là 2 thủ tục có ít doanh nghiệp kêu ca nhất, tương ứng mức 23,6% và 27,9%, thấp hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục còn lại.

Thứ hai, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp FDI. Họ gặp khó khăn hơn doanh nghiệp FDI ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát, đặc biệt là nhóm thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư; thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; thủ tục liên quan quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thủ tục kết nối cấp điện.

Ông Tuấn bình luận, điều này có thể phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế, khi hầu hết địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút FDI. Nhưng ở góc độ khác, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hạn chế về nguồn lực hơn trong việc chuẩn bị các hồ sơ thủ tục hành chính.

“Việc tăng cường tập huấn cho các doanh nghiệp hoặc xây dựng các kênh hỗ trợ, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là rất cần thiết. Có thể bắt đầu từ các kênh hỏi đáp trực tuyến”, ông Tuấn đề xuất.

Đặc biệt, thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng là nguyên nhân chính gây ra trở ngại. Khoảng 52,8% doanh nghiệp cho biết, cán bộ giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp; 52,1% than phiền về sự phức tạp của quy định pháp luật…

Báo cáo Khảo sát thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng năm 2020

Khảo sát 10.00 doanh nghiệp, trong đó 2.100 doanh nghiệp có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo lại công trình, nhà xưởng trong 2 năm gần nhất.

13 thủ tục được khảo sát gồm: quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; kết nối cấp điện; cấp, thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường; đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Khánh An (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.