08/07/2014 9:32 PM
Hiện nay TPHCM đang quản lý trên 10 dự án sử dụng vốn ODA, với tổng vốn vay đã ký với nhà tài trợ gần 6 tỉ đô la Mỹ, nhưng giải ngân chưa được nhiều, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu giải trình tại buổi thảo luận tổ kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM diễn ra chiều nay (8-7).

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND thành phố phát biểu chiều nay 8-7 - Ảnh: Văn Nam

“Khâu tổ chức thực hiện dự án vốn ODA nhiều nơi làm rất chậm. Điều này chúng ta phải thừa nhận, thậm chí vừa rồi có một số nhà tài trợ rất phàn nàn, họ còn gởi cả thư cho tôi, lãnh đạo thành phố phàn nàn về việc giải ngân chậm của ta”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, hiện nay trên địa bàn thành phố đang quản lý trên 10 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó có các dự án lớn như dự án xây dựng đại lộ Đông Tây, dự án cải thiện môi trường nước thành phố , giai đoạn 2 dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các tuyến đường metro … với tổng vốn đã ký với nhà tài trợ vay gần 6 tỉ đô la Mỹ.

Ông Tín cho rằng tiền ký vay đã có, vấn đề còn lại là triển khai dự án. Tuy nhiên, ông Tín thừa nhận vấn đề giải ngân vừa qua có nhiều dự án đã xong bước làm thủ tục rồi nhưng triển khai vẫn chậm do khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dự tính sẽ xong năm 2017 nhưng đến giờ giải tỏa mặt bằng vẫn chưa xong.

Cũng theo ông Tín, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ không phải lúc nào cũng giống nhau, có một số điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, mà các nhà thầu, đặc biệt là các dự án vốn ODA Nhật Bản phần lớn là sử dụng các nhà thầu Nhật Bản nên việc xử lý hài hòa luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam và quy định của nhà tài trợ còn nhiều bất đồng.

Mặc dù giải ngân các dự án ODA chậm do nhiều nguyên nhân như giải thích ở trên vị phó chủ tịch UBND thành phố vẫn khẳng định chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các dự án vốn ODA trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề thu hồi, hủy bỏ văn bản pháp lý của nhà nước trong việc thỏa thuận địa điểm đầu tư, ông Nguyễn Hữu Tín thông tin thêm rằng tính từ khi thực hiện Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND TPHCM năm 2012 đến nay, tổng số dự án được thu hồi, hủy bỏ văn bản pháp lý của nhà nước về chấp thuận địa điểm đầu tư là 536 dự án với tổng diện tích 5.396 héc ta.

TPHCM thu hồi 5.000 héc ta đất của hơn 500 dự án chậm tiến độ

Sáng 8-7, UBND TPHCM cho biết, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 16/2012/NQ của HĐND thành phố đến nay, thành phố đã thu hồi 536 dự án phát triển đô thị chậm triển với diện tích hơn 5.000 hecta.

Theo UBND TPHCM, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 16 khi quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã phủ kín các khu vực đô thị.

Đây là cơ sở pháp lý quy hoạch cho công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị của thành phố.

Theo đó, trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tiếp tục rà soát khoảng hơn 100 dự án mà doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý nhưng việc triển khai chậm dẫn đến lãng phí đất đai

Cũng liên quan đến việc thu hồi dự án, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” phát trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 6-7, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, cả nước đã xử lý, thu hồi gần 20.000 hecta đất do chủ đầu tư chậm tiến độ.

Ông Quang đánh giá, kết quả là rất khiêm tốn vì diện tích cần thu hồi do chậm tiến độ khá lớn.

Theo Bộ trưởng Quang, Luật Đất đai 2013 cho phép nhà đầu tư chậm tiến độ so với quy định là 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó.

Nếu hết 24 tháng, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất, không bồi thường về đất cũng như giá trị đã đầu tư trên đất.

Trao đổi với TBKTSG Online, tiến sĩ, kỹ sư xây dựng Nguyễn Đức Đạt, nguyên viện trưởng công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư gặp khó khi thời hạn cho phép chậm tiến độ trước khi thu hồi áp dụng hiện chỉ là là 24 tháng.

Ông Đạt cho rằng, thời hạn này áp dụng cho tất cả các dự án là chưa hợp lý mà cần quy định khác nhau với các dự án có diện tích đất và mục đích sử dụng khác nhau.

Theo ông Đạt, điều này cần được Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định chi tiết thành một văn bản dưới luật.

Mạnh Tùng

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.