27/11/2014 8:10 AM
Ông Nguyễn Hữu Tín đã phải gay gắt chất vấn đại diện Sở Xây dựng TP trong cuộc họp ngày 26/11, khi người đại diện đơn vị này đưa ra một báo cáo với số liệu được lấy từ nguồn không đúng chỉ đạo.

Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

“Báo cáo cũng không xong thì còn họp hành gì?”

Theo đó khi trình bày “Báo cáo về cân đối tổng thể nhu cầu bố trí sử dụng và định hướng phát triển nhà ở tái định cư trên địa bàn TP”, đại diện Sở Xây dựng cho rằng: Kể từ khi triển khai chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè (1996) đến nay, TP đã đầu tư xây dựng 35.158 căn hộ và nền đất tái định cư.

“Cụ thể: Đã bố trí sử dụng mục tiêu tái định cư 26.149 căn và nền; Đã có chủ trương đấu giá thu hồi vốn 406 căn và nền; Đã kiến nghị chuyển sang nhà ở xã hội 1.367 căn và nền; Tiếp tục bố trí sử dụng cho 46 dự án trọng điểm 4.236 căn và nền”.

Ngay khi nghe đến đây ông Nguyễn Hữu Tín lập tức ngắt lời: “Các anh thử xem lại số liệu cộng đã đúng chưa? Đọc qua là biết không đúng rồi, còn mấy ngàn căn nằm ở đâu? Có báo cáo các anh làm cũng không xong thì còn họp hành cái gì?”. (26.149 + 406 + 1.367 + 4.236 = 32.158, thiếu 3.000 căn so với tổng số nêu trên – PV).

Sau giây phút bối rối, các cán bộ Sở Xây dựng vội đính chính lại, theo đó số căn hộ và nền đã bố trí sử dụng mục tiêu tái định cư là 29.149 chứ không phải 26.149.

Tuy nhiên Sở xây dựng còn mắc sai sót trầm trọng hơn sau đó. Trong cuộc họp ông Nguyễn Hữu Tín liên tục nhấn mạnh đến việc các số liệu về nhu cầu nhà tái định cư của người dân gian đoạn 2014-2015 phải được thống kê tuyệt đối chính xác.

“Sau này nếu phát sinh trường hợp người dân yêu cầu mà không có trong báo cáo thì khi đó các anh sẽ bị xử lý”. – ông Phó Chủ tịch nói.

Nhưng khi ông hỏi Sở Xây dựng đã làm việc với đơn vị nào để có được những số liệu thống kê nhu cầu tái định cư của người dân, thì vị đại diện trả lời rằng “đa số làm việc với các công ty công ích”.

Ngay sau khi nghe, ông Phó Chủ tịch lập tức hỏi lại với giọng rất giận dữ: “Tại sao lại vậy. Tôi đã chỉ đạo các anh phải làm việc trực tiếp với UB các quận huyện, phải có con dấu, chữ ký đàng hoàng. Các anh làm việc với công ty rồi mai mốt quận huyện nói không làm việc với họ mà làm việc với công ty thì sao, hay lại đổ trách nhiệm cho nhau?”.

Bởi lý do này cuộc họp đã phải kết thúc sớm hơn dự định vì “các số liệu không chính xác, chắc chắn thì không thể làm tiếp được”. Ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Xây dựng phải làm việc lại với các quận huyện, và trong vòng 2 tuần tới sẽ phải có các số liệu chính xác.

“Không để quận huyện ôm nữa”

Trước đó, cũng trong khuôn khổ buổi họp, khi bàn đến việc bố trí tạm cư cho những hộ dân bị giải tỏa ông Tín cho rằng Sở Xây dựng cần phải là đầu mối quản lý quỹ đất tái định cư của thành phố.

Lý do là trước đây quỹ đất này được giao cho các quận huyện, tuy nhiên những nơi này thiếu sự liên kết nên dẫn đến tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu”. “Quận này thì thừa nên đòi bán, trong khi quận bên cạnh thì kiếm không ra” – ông Tín nói.

Chung cư Thạnh Mỹ Lợi - nơi tái định cư cho các hộ dân tại quận 2.

Phó chủ tịch TP cũng nhấn mạnh đến việc phải bố trí tạm cư cho các hộ dân gần nơi ở cũ của họ: “Tôi đã gặp một hộ dân quận 1 nhưng được bố trí tạm cư dưới tận Bình Chánh. Bây giờ vợ chồng mỗi người làm một nơi, trong khi con vẫn học ở quận 1, hàng ngày chạy xe qua lại rất mệt”. – ông Tín cho hay.

Trong thời gian tới ông Tín yêu cầu, nếu giải tỏa thì phải bố trí tạm cư cho người dân ở các quận lân cận chứ “đừng đẩy đi xa nữa”.

Về đề nghị của Sở Xây dựng muốn bán một số quỹ nhà, đất nền tái định cư chưa bố trí hoặc đã chuyển sang nhà ở xã hội ông Tín quyết định “chưa thể được”. Lý do là số liệu về nhu cầu của người dân chưa được Sở thống kê từ nguồn chính xác (phải từ UBND quận, huyện thay vì từ các công ty công ích như đã nói ở trên - PV). Theo ông, việc này chỉ tính đến khi chỗ tái định cư của người dân được giải quyết ổn thỏa.

Nguyễn Cường (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.