CafeLand – Những khu đất này đều sở hữu vị trí đắc địa tại TP.HCM và có giá trị cao trên thị trường nhưng trong quá trình đầu tư đã để ra nhiều sai phạm như không tổ chức đấu giá, giao đất không đúng quy định. Hàng loạt cựu và lãnh đạo đương chức của TP.HCM cũng dính vào lao lý vì liên quan đến những khu đất này.

Khu đất 6.000m2 số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, trước đây là trụ sở của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo tìm hiểu, năm 2008, UBND TP.HCM đã quyết định giao khu đất có diện tích khoảng 6.000m2 này cho Sabeco mà không tổ chức đấu thầu. Theo kế hoạch nơi đây sẽ được xây dựng thành Dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.

Sau đó, Sabeco lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl để đầu tư dự án. Công ty này ban đầu gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%%, Sabeco sở hữu 26% và Công ty Cổ phần Attland sở hữu 23%.

Năm 2016, Sabeco đã thoái vốn theo hình thức đấu giá bán toàn bộ 26% số cổ phần nắm giữ cho các cổ đông sáng lập khác. Attland là đơn vị đứng ra mua toàn bộ số cổ phần này của Sabeco từ đó nâng số cổ phần sỡ hữu lên 49% tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl, 51% còn lại thuộc về Công ty Hà An và Công ty Mê Linh.

Tháng 10/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Cũng trong năm 2016, các cổ đông sáng lập khác cũng đã thoái vốn sạch khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl. Khu đất vàng đắc địa này hiện được cho là đã về tay của ông chủ người Hoa.

Liên quan đến khu đất này, ngày 10/11/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố 5 bị can trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Sabeco.

Cơ quan điều tra cũng áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 bị can gồm: Ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngụ quận 1); Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ngụ quận Phú Nhuận); Trương Văn Út (48 tuổi, Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, ngụ quận Gò Vấp); Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, ngụ quận 3); Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM, ngụ quận 12).

Khu đất 5.000m2 số 8 – 12 Lê Duẩn

Khu đất số 8 ­12 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2, thuộc sở hữu Nhà nước. Ban đầu, khu đất này do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc, là Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO).

Đến năm 2010, cả 4 công ty trên (sau này là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).

Sau khi chuyển nhượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm ( tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido, chiếm tỷ lệ 50%.

Đến tháng 6/2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này (số 8 Lê Duẩn) theo giá trị trường, là hơn 621,7 tỉ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách Nhà nước (hơn 700 tỉ đồng).

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại báo cáo kết luận số 138 năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn. TP.HCM giải trình khó thu hồi đất, vì Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỉ đồng nộp tiền sử dụng đất và thuê đất.

Đến ngày 4/5/2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục ra kết luận, tại thời điểm 2009 - 2010, UBND TP.HCM đang bàn bạc, cân nhắc chủ trương đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê trên khu đất này. Ngoài 2 Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô muốn đầu tư còn có Công ty Sunwah Vietnam Real Estade Limited cũng có văn bản đề nghị thực hiện dự án.

Như vậy, đã có đủ yếu tố để UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức thẩm định, đấu giá đất. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã không thực hiện.

Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách. Với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra trách nhiệm trực tiếp thuộc ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Trong kết luận, ông Tài được cho là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Cũng như chấp thuận cho các công ty không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến chuyển nhượng kiếm lời, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, giảm tỷ lệ cổ phần vốn góp của Nhà nước từ 50% xuống 20%...

UBND TP.HCM sau đó đã ra quyết định thu hồi khu đất 8 – 12 Lê Duẩn. Tuy nhiên, mới đây thành phố đã hủy bỏ quyết định thu hồi này căn cứ theo đề nghị của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công An.

Khu đất 32ha tại dư án Phước Kiển

Dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được UBND TP.HCM chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) vào năm 2009. Công ty Tân Thuận đã bồi thường được hơn 32ha đất. Tuy nhiên văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của Công ty Tân Thuận hết thời hạn vào năm 2013.

Tháng 4/2017, Công ty Tân Thuận gửi công văn đến Văn phòng Thành ủy TP.HCM xin hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để thực hiện dự án.

Tháng 6/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang về chuyển nhượng hơn 32ha đất nói trên.

Theo đó, ông Cang chấp thuận chủ trương giao hội đồng thành viên và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển nhượng hơn 32ha đất cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Công ty Tân Thuận sau đó chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai 32ha đất với giá 1.290.000 đồng/m2, tổng giá trị hơn 419 tỉ đồng. Giá chuyển nhượng này do Công ty Tân Thuận tự thẩm định.

Cuối năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thấp hơn so với giá thị trường, thấp hơn cả giá do Công ty Tân Thuận lập phương án bồi thường tiếp cho dân ở dự án khu dân cư Phước Kiển.

Cụ thể giá hai bên chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường 478.000 đồng/m2. Sau đó, Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm việc với Công ty Quốc Cường Gia Lai để điều chỉnh giá chuyển thành 1.768.000 đồng/m2 (chưa có VAT).

Vào tháng 11/2018, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã có kết luật ông Tất Thành Cang có sai phạm rất nghiêm trọng.

Kết luận của Ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, ông Tất Thành Cang với vai trò Phó bí thư thường trực Thành ủy đã đồng ý cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo quy định về quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM.

4 đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm

Liên quan đến sai phạm tại dự án án 4 đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm xảy ra khi ông Cang đang là giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM (ủy viên UBND TP.HCM) thừa ủy quyền chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó xác định tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quyết định phê duyệt này được cho là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 108 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Với những sai phạm tại khu đất 32ha Phước Kiển và 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm ông Tất Thành Cang đã bị cắt hết mọi chức vụ trong Đảng.

Cụ thể, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương mới đây đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • The Landmark 81 lọt top 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018

    The Landmark 81 lọt top 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018

    CafeLand - Theo dữ liệu công bố mới đây của Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị (CTBUH), tòa nhà The Landmark 81 của Việt Nam lọt vào danh sách 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018....

  • Năm 2018, chao đảo trong cơn sốt đất nền

    Năm 2018, chao đảo trong cơn sốt đất nền

    CafeLand – Năm 2018 là một năm có nhiều biến động ở phân khúc đất nền. Từ những cơn sốt cục bộ khắp cả nước đến những chiêu trò, lừa đảo khách hàng của các công ty môi giới địa ốc thiếu chuyên nghiệp....

  • Top 7 sự kiện bất động sản nổi bật trong năm 2018

    Top 7 sự kiện bất động sản nổi bật trong năm 2018

    CafeLand – Cơn sốt đất nền vùng ven và các khu vực dự kiến được quy hoạch thành đặc khu kinh tế, vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina, những sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản… là những sự kiện nổi bật trong n...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.