Do thua lỗ hoặc kém hiệu quả, nhiều chủ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây phải bán tháo các dự án bất động sản (BĐS) để cắt lỗ và dồn sức cho dự án khác, thậm chí chuyển hướng kinh doanh.

TPHCM: Bán tháo dự án bất động sản

Một dự án cao ốc đa năng trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) được rao bán. Ảnh: Đại Dương.


Tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã thông báo về quyết định không tiếp tục đầu tư dự án cao ốc văn phòng tại đô thị mới Phú Mỹ Hưng có diện tích sàn 44.500 m2 để làm trụ sở công ty và cho thuê. Cty này đã bán lại dự án với giá trị hợp đồng xấp xỉ 12 triệu USD. Lý do, nếu triển khai dự án trên, công ty phải chuẩn bị nguồn vốn lớn trên 20 triệu USD, trong khi công ty hiện chưa thể phát hành cổ phiếu thêm để huy động vốn.


Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) mới đây cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc bán dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại 143-145 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) với giá chuyển nhượng 40 tỷ đồng. SFC nhìn nhận trong tình hình văn phòng cho thuê ế ẩm, giá lại khá thấp nên nếu tiếp tục triển khai xây dựng chắc chắn hiệu quả sẽ không cao, và đó là lý do khiến SFC phải bán dự án để bổ sung nguồn vốn cho các dự án khác có hiệu quả cao hơn.


Thay vì đầu tư tháp văn phòng Vinasun Tower như kế hoạch, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam cũng quyết định chuyển nhượng lô đất rộng 717 m2 tại đường Thủ Khoa Huân (Q1). Công ty Cổ phần Kỹ thuật Việt bán cao ốc 10 tầng trên khu đất diện tích 4.350 m2 ở đường Võ Văn Tần cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco với giá 8 triệu USD.


Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An (KAC) đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Tạo A (quận Bình Tân) cho một nhà đầu tư nước ngoài. Ở một thương vụ khác, Công ty địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng tại quận Gò Vấp và biến khu đất rộng hơn 3.700 m2 thành dự án 14 tầng với 234 căn hộ cao cấp.


Theo giới chuyên môn, từ đầu năm 2011 đến nay, hàng loạt thương vụ mua bán dự án BĐS đã hoàn tất. “Vì khó khăn về vốn nên nhắm thấy được là bán, để giải quyết nợ ngân hàng và lấy tiền đầu tư khác” - giám đốc một doanh nghiệp (DN) BĐS chia sẻ.


Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu xác nhận nhiều DN BĐS phải chấp nhận bán dưới giá thành, nhất là những dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng.


Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường BĐS ảm đạm là cơ hội tốt cho người mua, họ có nhiều cơ hội lựa chọn-điều mà chỉ khoảng 1 năm trước đây không có hoặc rất ít có.


Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ông Đoàn Nguyên Đức cũng nhìn nhận đây là cơ hội tốt nhất để đầu tư mua lại các dự án. Có không ít DN BĐS nước ngoài đã tham gia mua lại dự án, bởi họ không muốn mất nhiều thời gian, công sức để thiết lập bộ máy, xin phép xây dựng dự án…

Theo Đại Dương (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.