Nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ đậu xe tại khu trung tâm TPHCM, mới đây Công ty cổ phần Phát triển hệ thống đậu xe thông minh En-Parking Japan đề xuất xây bãi đậu xe nổi cao 9 tầng tại Công trường Lam Sơn, giá giữ ô tô dự kiến là 27.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, Sở GTVT TPHCM cho rằng khu đất này đã được quy hoạch là đất công viên, cây xanh nên việc xây bãi đậu xe ở vị trí này là chưa phù hợp.
Bãi đậu xe hiện nay ở khu trung tâm TPHCM rất thiếu nên xe đậu tràn lan dưới lòng đường. Theo Sở GTVT TPHCM việc xây dựng các bãi đậu xe ở khu trung tâm phải phù hợp với quy hoạch - Ảnh: Anh Quân
Theo văn bản số 17816 của Sở GTVT TPHCM trình chính quyền thành phố hôm 16-12, sở này cho biết đã nhận được đề xuất của Công ty cổ phần Phát triển hệ thống đậu xe thông minh En-Parking Japan mong muốn được xây bãi đậu xe tại Công trường Lam Sơn.
Dự án sẽ có 9 tầng (không bao gồm tầng mái), với tổng diện tích xây dựng là 6.040 mét vuông. Bãi đậu xe này có sức chứa 168 ô tô bao gồm xe 4 chỗ và 7 chỗ. Bãi xe được trang bị hệ thống đậu xe thông minh sử dụng robot tự động xếp xe.
Hình thức đầu tư được đề xuất theo hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Dự kiến tiến độ thi công công trình tối đa 14 tháng. Thời gian xây dựng, khai thác công trình dự kiến trong 30 năm (theo tính toán sơ bộ sau 23 năm dự án sẽ được thu hồi vốn). Đơn giá giữ ô tô dự kiến là 27.000 đồng/xe/giờ; giá theo ngày là 468.000 đồng/xe/ngày; theo tháng là 11.928.000 đồng/chỗ/tháng; theo năm là 121.666.000 đồng/chỗ/năm.
Sau 30 năm xây dựng và khai thác, Công ty En-Parking Japan xin được ưu tiên tiếp tục vận hành và khai thác.
Tổng mức đầu tư dự án là 161 tỉ đồng (bao gồm cả lãi vay và VAT). Trong đó, vốn chủ đầu tư chiếm 20%, vốn vay thương mại chiếm 80%. Nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp, vay ngân hàng thương mại trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Góp ý cho việc xây dựng dự án bãi đậu xe 9 tầng, trong công văn số 4833 ngày 24-10, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng căn cứ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu đã được chính quyền thành phố phê duyệt, vị trí khu đất đề xuất thuộc đất công viên cây xanh phía sau nhà hát thành phố, một công trình văn hóa lịch sử có giá trị quan trọng của thành phố. Vì vậy, việc xây dựng tòa nhà để xe với quy mô 9 tầng là không phù hợp quy hoạch.
Còn Sở Tài chính trong công văn số 8744 ngày 8-11, yêu cầu đơn vị lập hồ sơ đề xuất khảo sát và nghiên cứu lại phí giữ xe ô tô, cũng như làm rõ phương án tài chính của dự án.
Cũng liên quan đến dự án này Sở GTVT TPHCM cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được điều chỉnh tại Quyết định số 568 năm 2013, vị trí công trường Lam Sơn được quy hoạch là bãi đỗ xe ô tô với diện tích 0,1 héc ta.
Tuy nhiên, qua rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 thì vị trí khu đất này thuộc đất công viên cây xanh. Do vậy, đề xuất đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng tại đây là chưa phù hợp với quy định tại Điều 15 Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức công-tư (dự án được lựa chọn thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải đáp ứng điều kiện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế họach phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) và không đủ điều kiện để lựa chọn dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư.
Thời gian vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án bãi đậu xe, trong đó liên danh nhà đầu tư T-K-T (Công ty cổ phần Tân Phát, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thái Sơn) đã đề xuất xây bãi đỗ xe thông minh cao tầng lắp ghép trong khu vực bãi trung chuyển xe buýt công viên 23-9 với hình thức thuê đất, đầu tư xây dựng công trình với thời gian thuê 8-10 năm. Khi có chủ trương thực hiện theo quy hoạch, nhà đầu tư sẽ hoàn trả lại mặt bằng cho thành phố.
Do vậy, Sở GTVT TPHCM kiến nghị thành phố chỉ cho phép đầu tư xây dựng bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép tại các khu đất thuộc công trường Lam Sơn, bãi trung chuyển xe buýt công viên 23-9 theo hình thức xây dựng và khai thác có thời hạn, đến khi vận tải hành khách công cộng phát triển, nhu cầu đậu xe tại trung tâm giảm đi thì phải hoàn trả mặt bằng để thực hiện theo quy hoạch.
Trong trường hợp cần rút ngắn thời gian khai thác, sử dụng khu đất hoặc có chủ trương thực hiện đầu tư các khu đất theo quy hoạch thành phố có thể xem xét miễn giảm tiền thuê đất hàng năm cho nhà đầu tư hoặc tìm vị trí mới, khi đó nhà đầu tư tháo dỡ, di chuyển bãi đậu xe và hoàn trả mặt bằng cho thành phố trong thời gian 1-3 tháng.
Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã khảo sát và tìm được 6 địa điểm phù hợp để xây dựng bãi đậu xe cao tầng tại Công viên 23-9 (quận 1), cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), bến xe quận 8, bến xe Chợ Lớn (quận 6) và bến xe Tân Phú (quận Tân Phú).
  • Bãi đậu xe: Từ dự án ngầm tới trên cao

    Bãi đậu xe: Từ dự án ngầm tới trên cao

    Nhiều dự án bãi đậu xe ngầm triển khai quá chậm vì vướng thủ tục, quy hoạch… trong khi nhu cầu chỗ đậu xe ngày càng bức thiết. Để giải bài toán chỗ đậu xe, góp phần giảm thiểu kẹt xe, ùn ứ tại các bến bãi, mới đây TPHCM đã đề xuất đầu tư xây 6 bãi giữ xe cao tầng, với kỳ vọng đẩy lùi ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

  • Ì ạch bãi đậu xe ngầm

    Ì ạch bãi đậu xe ngầm

    Đã hơn 12 năm kể từ khi TP.HCM quy hoạch 8 bãi đậu xe ngầm nhằm giải quyết tình trạng thiếu chỗ đậu xe nhưng đến nay, các dự án vẫn nằm trên giấy.

Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.