Tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), tình trạng ôtô, xe máy đỗ la liệt ngay dưới lòng đường tồn tại dai dẳng nhiều năm.
Ở đâu cũng quá tải
Riêng tại Hà Nội, thực tế, tình trạng thiếu chỗ đỗ xe có thể thấy ngay ở các khu chung cư, nhà tập thể tại các KĐT. Từ lâu nay, KĐT mới Linh Đàm (Hà Nội) đã dần mất đi danh xưng “KĐT kiểu mẫu” khi quy hoạch bị “phá nát” bởi mật độ dầy đặc các tòa nhà cao tầng, không gian sống xung quanh bị thu hẹp, thiếu sân chơi, trường học, hàng quán vỉa hè bày bán lộn xộn…, đáng chú ý là chỗ đỗ xe bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân, dẫn đến vỉa hè và lòng đường bị biến thành bãi đỗ xe.
Khu tổ hợp chung cư HH Linh Đàm luôn là “điểm nóng” quá tải về hạ tầng. Với số dân lên tới hàng chục nghìn người nhưng chỉ có một tầng hầm để xe máy, cả khu không có điểm đỗ ôtô, người dân phải gửi ở các bãi tự phát hoặc đỗ ở vỉa hè ngay dưới các tòa nhà. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có hướng giải quyết khả thi.
Nhiều KĐT khác như Trung Hòa Nhân Chính, Pháp Vân, Mỹ Đình… cũng chung tình trạng thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng, vì nhiều tòa chung cư tại đây không có tầng hầm chứa ôtô. Rất nhiều chủ xe đã phải để “bừa” trên lối đi chung, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của cư dân.
Với các KĐT mới, được hình thành sau và có quy hoạch đầy đủ hạ tầng hiện đại đã vậy, còn trong nội đô, tại các tuyến phố như Quang Trung, Bà Triệu, Lê Đại Hành, Nguyễn Du… thì càng khó có thể tìm được chỗ đỗ xe. Quanh nhiều tòa tháp cao tầng trong khu vực nội thành, tình trạng phổ biến là xe máy để tràn ra vỉa hè; nhiều tuyến đường bị trưng dụng làm bãi đỗ. Kéo theo đó là hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên, thu phí tùy tiện. Mọi ngõ ngách, đường ngang… đều có thể biến thành bãi đỗ xe…
Quy hoạch bãi đỗ ngầm và trên cao
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các KĐT khá chật chội chính là phải dành một phần đất trống làm nơi đỗ xe. Trong thiết kế, nhà chung cư có từ một đến hai tầng hầm, thậm chí nhiều tòa không xây tầng hầm nên không đủ chỗ đỗ xe cho cư dân. Việc phát triển nhà chung cư có mật độ dân số lớn nhưng thiếu sự phát triển hệ thống giao thông đồng bộ đã dẫn đến sự ngột ngạt, nhức nhối trong chính các KĐT. Do đó, không khó hiểu khi gầm cầu vượt, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm diện tích và tận dụng làm địa điểm đỗ ô tô, xe máy, gây mất an toàn cũng như cản trở lưu thông của người tham gia giao thông. Một nguyên nhân nữa được chỉ ra đó là việc bất cập trong thực hiện quy hoạch; các dự án bãi đỗ xe chưa thể thực hiện do những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng...
Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Sở QH - KT Hà Nội cho biết: Mặc dù Hà Nội đã có quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng tương đối lớn nhưng đến nay, việc triển khai xây dựng vẫn rất chậm, là bởi hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, xây dựng có nhiều thay đổi dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án…
Ngoài ra, còn vướng mắc trong công tác GPMB thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án; kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe tự động cao tầng là rất lớn dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn nên chưa thu hút được nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng bãi đỗ xe công cộng…
Các chuyên gia về đô thị, hạ tầng cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng thiếu bãi đỗ xe hiện nay thì khi thực hiện quy hoạch mạng lưới bãi, điểm đỗ xe, cần tính đến cả 3 tầng không gian gồm mặt đất, trên cao và tầng hầm. Khi thực hiện bãi xe ngầm cần liên thông với đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị, đảm bảo sự kết nối.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN tham gia xây dựng các bãi đỗ xe, đầu tư vào công nghệ quản lý, khai thác hệ thống bến bãi đỗ xe thông minh cũng cần được quan tâm…
-
Hoàng Mai "đắp chiếu" nửa triệu m2, Đống Đa chật vật tìm điểm đỗ xe
Đại diện UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, quỹ đất cho bãi xe của quận gần như không có, cả hệ thống chính trị của quận thời gian qua vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán này.