Ông Trump cho biết nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ là một “giai đoạn chuyển tiếp”, khẳng định đất nước sẽ vượt qua và mạnh mẽ hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News vào thứ Sáu 2/5, ông Trump giảm nhẹ khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn, nói: “Nghe này, vâng — mọi thứ đều ổn. Tôi đã nói, đây là giai đoạn chuyển tiếp. Tôi nghĩ chúng ta sẽ làm rất tốt”, ông Trump nói.
Ông cũng nói rằng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt về mặt việc làm và kêu gọi Fed giảm lãi suất. Những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà phân tích tài chính và chuyên gia Phố Wall dự báo một cuộc suy thoái tiềm tàng, đặc biệt sau những thay đổi gần đây trong chính sách thuế của ông.
Khi Kristen Welker của NBC hỏi ông có lo lắng về một cuộc suy thoái không, ông Trump chỉ trả lời: “Không”. Khi được hỏi liệu suy thoái có thể vẫn xảy ra, ông nói thêm: “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước”.
Phố Wall lo lắng, nhưng ông Trump vẫn tự tin
Sự lạc quan của ông Trump dường như đi ngược lại với mối lo ngày càng tăng của các nhà phân tích và kinh tế học. Theo những người này, chính sách thuế cứng rắn của tổng thống có thể phản tác dụng. Việc áp thuế, đặc biệt với Trung Quốc, có thể gây lạm phát và làm tổn hại tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Trump bác bỏ những lo ngại này và nhấn mạnh vẫn có những tiếng nói tích cực từ Phố Wall.
Ông Trump nói từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida: “Bạn nói ‘Một số người ở Phố Wall nói’ — tôi nói cho bạn điều khác. Một số người ở Phố Wall nói rằng chúng ta sẽ có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử. Sao không nói về họ?”.
Ông nói thêm: “Có nhiều người ở Phố Wall nói rằng đây sẽ là vận may lớn nhất từ trước đến nay”.
Dù ông Trump tỏ ra lạc quan, tỉ lệ ủng hộ ông đang giảm. Theo khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, chỉ 42% người dân Mỹ hiện ủng hộ cách điều hành của ông.
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm lần đầu tiên trong vòng ba năm. Nhiều chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp đã vội nhập hàng trước khi mức thuế mới được áp dụng, khiến các con số tạm thời tăng vọt.
Thuế quan, thương mại và người tiêu dùng
Trong một cuộc họp nội các, ông Trump nói: “Có người nói, ‘Ồ, kệ hàng sẽ trống trơn’. Thì có thể lũ trẻ sẽ có hai con búp bê thay vì 30 con, đúng không? Và có thể hai con búp bê đó sẽ đắt hơn vài đô.”
Đầu tháng này, ông Trump đã tạm hoãn áp dụng mức thuế cao hơn trong 90 ngày.
“KHÔNG CÓ LẠM PHÁT, FED NÊN HẠ LÃI SUẤT!!!”, ông Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình vào thứ Sáu.
Trong bài đăng, ông viện dẫn rằng việc làm đang “mạnh”, có thể ám chỉ đến báo cáo mới công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 177.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 4 - vượt mức dự báo 138.000 của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giữ ổn định ở mức 4,2%.
Sự vững vàng này có khả năng khiến Fed tiếp tục duy trì lập trường thận trọng hiện tại, chờ rõ hơn tác động của các mức thuế mới do ông Trump áp đặt sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới. Các nhà giao dịch hôm thứ Sáu cho rằng khả năng cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn hiện trở nên ít có khả năng hơn.
Không kỳ vọng Fed hành động trong cuộc họp tới
Thị trường không kỳ vọng Fed sẽ có động thái nào tại cuộc họp vào ngày 6-7 tháng 5 tới, và các nhà giao dịch đã giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 6 xuống dưới 50%. Đồng thời, họ cũng rút lại kỳ vọng về bốn lần cắt giảm nữa trong năm nay.
Tổng thống Trump thời gian qua đã công khai quan điểm: ông muốn hạ lãi suất và không hài lòng với sự thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell - người đã nói rằng ngân hàng trung ương sẽ “chờ đợi để có sự rõ ràng hơn” khi cân nhắc hai mục tiêu: ổn định giá cả và việc làm đầy đủ.
Powell: Kinh tế có thể lệch khỏi mục tiêu của Fed
Ông Powell phát biểu tháng trước rằng có “khả năng cao” nền kinh tế sẽ không đạt được cả hai mục tiêu của Fed trong phần còn lại của năm, hoặc ít nhất sẽ không có nhiều tiến triển.
Ông Trump lập luận trong bài đăng hôm thứ Sáu rằng giá cả và chi phí vay đang giảm:
“Xăng chỉ còn 1,98 USD/gallon - thấp nhất trong nhiều năm, thực phẩm (và trứng!) giảm, năng lượng giảm, lãi suất thế chấp giảm”.
“Người tiêu dùng đã chờ đợi nhiều năm để thấy giá cả hạ xuống”.
Một chỉ số lạm phát mà Fed ưa thích đã cho thấy trong tháng 3 tốc độ tăng giá đã chậm lại còn 2,6% tính theo năm, nhưng vẫn ở mức 3,5% trong quý đầu tiên của năm.
Tăng trưởng kinh tế suy yếu giữa lo ngại về thuế
Các dữ liệu khác được công bố trong tuần này càng làm rõ thêm tình thế khó xử của Fed. Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm lần đầu tiên sau ba năm trong quý đầu 2025, phần lớn do các nhà nhập khẩu vội vã gom hàng trước khi mức thuế mới của Tổng thống Trump có hiệu lực.
Nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng bức tranh kinh tế sẽ thay đổi đáng kể trong vài tháng tới khi tác động của các mức thuế mới bắt đầu lan rộng.
-
Ông Trump đề xuất cắt giảm 163 tỷ USD ngân sách Hoa Kỳ, cắt giảm chi tiêu trong nước
Hôm thứ Sáu, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề xuất cắt giảm 163 tỷ USD cho ngân sách liên bang, chủ yếu cắt giảm mạnh chi tiêu cho giáo dục, nhà ở và nghiên cứu y tế vào năm tới, nhưng tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh biên giới.
-
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump qua các con số
Nền kinh tế Mỹ suy giảm 0,3% trong quý I/2025, lần giảm đầu tiên trong ba năm, chủ yếu do các mức thuế quan dưới thời ông Trump. Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi GDP của Đài Loan tăng vọt 5,4% nhờ xuất khẩu công nghệ trước thuế. Châu Âu tăng trưởng 0,4% trước khi thuế quan có hiệu lực, còn Canada đang trên đà không đạt được kỳ vọng về GDP.
-
Ông Trump chào mời các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ từ Nvidia, J&J, Hyundai, Toyota
Các giám đốc điều hành từ Nvidia, Johnson & Johnson, Toyota Motor, Eli Lilly và SoftBank Group nằm trong số hơn hai chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao dự kiến sẽ đến thăm Nhà Trắng vào thứ Tư như một phần của sự kiện thu hút các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ, theo Reuters.







