18/10/2014 12:06 PM
CafeLand – Trong tuần qua, thị trường nhà đất ghi nhận một số thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Thị trường bất động sản đang lạc quan thái quá?; Chuyến tàu thanh khoản: Những dự án “trượt bánh”; Đối đầu giữa ban quản trị Saigon Pearl và chủ đầu tư; Bất động sản Đồng Nai nóng theo sân bay Long Thành; Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào bất động sản 'cõi âm'…

Hình minh họa

Thị trường bất động sản đang lạc quan thái quá?

Thị trường bất động sản đang được khoác lên mình một chiếc áo màu hồng tươi sáng với liên tiếp các báo cáo công bố nhiều số liệu tích cực.

Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội, chỉ riêng phân khúc căn hộ đã bán được trên 6.500 căn, trong đó quý III/2014 là khoảng 2.500 căn, tăng 2% so với quý trước đó. Giá cũng đang có chiều hướng tăng nhẹ, ngay cả đối với phân khúc trung - cao cấp vốn kén khách hàng. Một số DN mạnh dạn công bố giá bán tại nhiều dự án đã tăng thêm khoảng 15 - 16%, giá chênh cũng được “cò” thổi lên ở một vài dự án. Phân khúc biệt thự, liền kề cũng có dấu hiệu tăng cả về giá bán và số lượng giao dịch, sau 5 quý liên tiếp gần như “đóng băng”.

Nhìn những con số nêu trên, hẳn những nhà đầu tư, nhà quản lý và cả khách hàng đều cảm thấy tương lai của thị trường bất động sản rất tươi sáng. Tuy nhiên, sức khỏe của thị trường còn phụ thuộc vào những yếu tố nền tảng, là cái gốc, chứ không chỉ phần ngọn là những giao dịch được công bố hồ hởi trong thời gian gần đây.

BĐS Đồng Nai nhấp nhổm theo sân bay Long Thành

Chuyện về sân bay có quy mô lớn nhất cả nước này xưa nay tốn bao giấy mực của giới truyền thông và bàn tới, bàn lui rất nhiều phương án; trong khi đó, các nhà đầu tư trót bỏ tiền vào bất động sản khu vực quanh sân bay (quy hoạch) cũng lắm phen thấp thỏm.

Theo Bộ GTVT, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 25 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD. Nguồn vốn phục vụ cho giai đoạn này sẽ bao gồm ngân sách nhà nước và huy động ngoài ngân sách.

Nếu đúng theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 (khai mạc 20/10 này), dự án sẽ tiếp tục được đem ra luận bàn và quyết định chủ trương đầu tư.

Đối đầu giữa ban quản trị Saigon Pearl và chủ đầu tư

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra hàng loạt tranh chấp tại các khu chung cư. Có những nơi, cư dân tranh chấp quyền lợi từ chủ đầu tư (CĐT), có những nơi, cư dân tranh chấp với cả Ban quản trị (BQT)… nhưng có một điểm chung, những tranh chấp trên đều kéo dài triền miên, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều cư dân.

Cách đây vài ngày, cư dân sống tại khu chung cư cao cấp Saigon Pearl (do Công ty TNHH Việt Nam Land SSG làm CĐT) đã phải cầu cứu tới các cơ quan chức năng vì có một đơn vị “lạ” vào khu vực chung cư để thi công ống nước. Theo lời kể của anh Giang, trưởng BQT tòa Topaz (thuộc Saigon Pearl), thì từ trước đến nay, BQT và CĐT đã xảy ra tranh chấp và từng khiếu nại lên chính quyền địa phương. Bức xúc trước việc làm từ phía CĐT, BQT tòa nhà Ruby (cũng thuộc Saigon Pearl) đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH Việt Nam Land SSG nộp 5 tỉ đồng quỹ bảo trì còn thiếu, nếu không sẽ ngừng cung cấp dịch vụ bơm nước khu này. “Có lẽ vì sợ bị cắt nước nên phía CĐT đã cho đơn vị này thi công ống nước để dự phòng”, anh Giang cho biết.

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào bất động sản 'cõi âm'

Trào lưu xây nghĩa trang kết hợp công viên tại Việt Nam ngày càng nở rộ, với vốn đầu tư vài trăm cho đến cả nghìn tỷ đồng. Nhiều lô đất thuộc "khu VIP" dành cho người chết lên tới hàng tỷ đồng.

Nghĩa trang tại tỉnh Phú Thọ rộng 90 ha, có 9 ngọn đồi vây quanh, tổng vốn 700 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Đức làm chủ đầu tư, đưa vào khai thác từ 2013.

Đây cũng là mô hình công viên nghĩa trang kết hợp các dịch vụ thăm viếng, nhà tưởng niệm, đền thờ thần linh, chùa Thiên và một số tượng phật. Khách hàng được lựa chọn nhiều hình thức mộ phần, với diện tích khuôn viên từ 10m2 đến 500m2 như: mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình, dòng tộc, mộ tôn giáo, mộ doanh nhân, mộ ghép…

Giá mộ đơn ở đây dao động 4,5-8 triệu đồng một m2. Giá khu đẹp, phong thủy tốt có thể lên đến vài chục triệu một m2. Đặc biệt, Thiên Đức còn áp dụng mua trả góp qua ngân hàng.

Chuyến tàu thanh khoản: Những dự án “trượt bánh”

Hòa cùng nhịp độ chào bán sôi động của thị trường địa ốc Thủ đô, những dự án đình đám một thời như ParkCity Hà Đông hay mới “nhú” ánh vàng lấp lánh như Kinh Đô 102 Trường Chinh cũng đang vào cuộc bán hàng “vét” cuối năm. Khác nhau về giá thành, vị trí, tốc độ thi công, hai dự án giống nhau về những nhược điểm dẫn tới thanh khoản đì đẹt.

Cao cấp, nổi tiếng nhờ pháp nhân chủ đầu tư đến từ ngoại quốc được cho là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng ParkCity vẫn chưa hết khó. Nằm tại trung tâm quận Đống Đa, dự án trung cấp của Kinh Đô lại quá ì ạch về tiến độ.

Quý I/2010, Park City chính thức chào đời, với tên khai sinh là KĐTM Lê Trọng Tấn (Quận Hà Đông). Rộng hơn 77,4ha, siêu dự án nằm tại phía Tây Hà Nội được liên doanh Công ty PerdanaCity (Singapore) - Vinaconex Hoàng Thành thực hiện từ những ngày đầu. Đen đủi cho “đứa con chung” này, tình hình thị trường BĐS bi đát từ giữa 2010 đến cuối 2012 đã khiến cho dự án “quặt quẹo” ngay từ khi lọt lòng.

Bán nhà cho giới đầu tư: Nợ bê bết!

Thay vì việc muốn bán nhà cho các nhà đầu tư thì các chủ đầu tư hiện nay đa phần thích bán trực tiếp cho người cần mua nhà để ở bởi "tiền tươi thóc thật".

Thời thị trường bất động sản vàng thau lẫn lộn, nhà nhà đổ xô đầu tư bất động sản. Các nhà đầu tư đua nhau hùn vốn đầu tư để thổi giá bất động sản nhắm kiếm lời, bỏ túi. Tuy nhiên, sau cơn bão thị trường, giờ tại nhiều dự án bất động sản "tàn dư" mà giới đầu tư gây ra vẫn còn đó. Giờ là lúc, chủ đầu tư đau đầu giải quyết hệ lụy tàn khốc này.

Một chủ đầu tư khu đô thị Hà Đông cho biết, năm 2011 dự án này bung ra bán khoảng 550 căn nhà liền kề, biệt thự. Chỉ trong vòng 2 tháng, toàn bộ số lượng hàng được bán hết. Chủ đầu tư vui mừng khôn xiết vì đã bán hết hàng, có nguồn tiền triển khai dự án đúng tiến độ. Thời điểm đó, giới đầu cơ và môi giới nhà đất cũng trúng lớn bằng việc mua đi, bán lại các căn hộ thuộc dự án. Có nhà đầu tư trúng quả tung tiền găm 2, 3 căn liền kề, biệt thự để chờ thị trường lên nữa để "gấp thếp" tiền lãi.

Xây nhà quên hạ tầng: Như "mua trâu không sắm dây xỏ mũi"

Xây lên rồi để đó, 60 căn hộ nằm trong khu nhà tái định cư NO6 Pháp Vân, Tứ Hiệp, Hà Nội vẫn từng ngày "ngóng" chủ nhân dọn vào ở. Thế nhưng, hàng chục năm nay vẫn không một bóng người tìm đến. Nghe thì thật khó tin song lại là thực tế đang hiện rõ tại khu nhà tái định cư này.

Tòa nhà NO6 được xây dựng theo diện nhà tái định cư từ năm 2004. Nhìn bên ngoài, ai cũng thấy đây là một tòa nhà đồ sộ nhưng bên trong số căn nhà có người đến ở chỉ mới dừng lại ở con số 20 hộ. Trong khi đó, hiện đang có tới 60 căn nhà đang bỏ không.

Nguyên nhân là cơ sở vật chất, hạ tầng nơi đây quá thiếu thốn, xuống cấp khiến cho không hộ dân nào muốn đến sinh sống.

"Tái định cư người ta không muốn ở vì điện nước rất chán. Tòa nhà toàn để không, không có người đến ở", chị Nguyễn Thị Thu Xuân, một cư dân của khu nhà nói.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.