Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã họp báo thông tin về dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Bất động sản khu vực quanh sân bay Long Thành (quy hoạch) cũng lắm phen thấp thỏm. Hình VTV

Chuyện về sân bay có quy mô lớn nhất cả nước này xưa nay tốn bao giấy mực của giới truyền thông và bàn tới, bàn lui rất nhiều phương án; trong khi đó, các nhà đầu tư trót bỏ tiền vào bất động sản (BĐS) khu vực quanh sân bay (quy hoạch) cũng lắm phen thấp thỏm.

Theo Bộ GTVT, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 25 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD. Nguồn vốn phục vụ cho giai đoạn này sẽ bao gồm ngân sách nhà nước và huy động ngoài ngân sách.

Nếu đúng theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 (khai mạc 20/10 này), dự án sẽ tiếp tục được đem ra luận bàn và quyết định chủ trương đầu tư.

Chưa biết kết quả bàn bạc và quyết định ở nghị trường ra sao nhưng trước thềm cuộc họp đã có không ít chuyên gia bày tỏ quan điểm về tính cấp thiết của dự án trong giai đoạn này. Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp đã "đổ tiền" vào các khu vực lân cận sân bay cũng tận dụng cơ hội "té nước theo mưa", bắt đầu triển khai chiến dịch bơm thêm sức nóng cho thị trường.

Tuy nhiên, việc thị trường BĐS ở Long Thành có vực dậy mạnh mẽ hay không thì một quyết định ở nghị trường chưa chắc đã làm nên chuyện. Bởi nó còn liên quan đến câu chuyện giãn dân ra khu vực này bên cạnh việc hình thành một công trình đồ sộ.

Có thể nói, từ ngày thông tin về quy hoạch sân bay Long Thành công bố, một lượng tiền lớn của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã nhảy vào Long Thành, với ý định "đi tắt đón đầu" nhưng trong gần 8 năm qua, tình hình thị trường BĐS đã khác.

Nếu năm 2006, thị trường nóng hầm hập thì đến năm 2010 - 2011, nhiều nhà đầu tư thậm chí chấp nhận cắt lỗ đến 50% giá trị đầu tư ban đầu nhưng tính thanh khoản của thị trường vẫn không mấy sáng sủa.

Nhà đầu tư mới thì đã nhìn thấy bong bóng thị trường vỡ như thế nào và nhận thức rõ ràng việc đầu tư theo phong trào, theo quy hoạch hạ tầng ra sao,... nên ít nhiều họ cũng sẽ e dè, thận trọng trước mọi quyết định.

Nói về tâm lý của nhà đầu tư đối với các sản phẩm BĐS, đại diện một doanh nghiệp chuyên phân phối dự án đất nền tại TP.HCM phân tích, nếu trước đây, nhà đầu tư chuộng bỏ tiền vào những dự án xa TP.HCM, thì nay họ luôn giữ tâm lý "tiền tươi thóc thật", có thể giá trị đầu tư cao, nhưng ít ra có thể khai thác được nguồn lợi từ việc xây nhà cho thuê và chắc chắn được tương lai của dự án, chí ít là tính khả thi của những dự án hạ tầng, đòn bẩy để tạo thêm giá trị gia tăng cho dự án.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Nguyên Bảo (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.