06/09/2024 7:02 AM
Đô thị Kinh Bắc, Masan, Vingroup... là những doanh nghiệp trả thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm cho vị trí CEO, trong đó thu nhập CEO Kinh Bắc năm 2023 lên tới 17 tỷ đồng.

Theo báo cáo phân tích thu nhập Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các công ty đại chúng của FiinGroup, năm 2023, thu nhập bình quân của vị trí Tổng giám đốc tại các doanh nghiệp vào khoảng 2,5 tỷ đồng/người.

Trong đó, bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán), bảo hiểm là những ngành trả thu nhập bình quân cho vị trí CEO cao nhất, vượt trội so với bình quân thị trường.

Dữ liệu kể trên được FiinGroup phân tích dựa trên công bố thông tin của 200 công ty đại chúng niêm yết trên HoSE, HNX và UPCoM, đại diện gần 86% vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối năm 2023.

Nguồn: FiinGroup. Ghi chú: Thu nhập của vị trí CEO tại Top 15 DN này không bao gồm giá trị của cổ phiếu thưởng và/hoặc cổ phiếu theo chương trình quyền chọn dành cho cấp điều hành (ESOP)

Đáng chú ý, dữ liệu thu nhập này cũng không bao gồm các phúc lợi từ cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu ESOP. Các lãnh đạo có thu nhập tượng trưng (như 1 USD/năm) hay không nhận thù lao, tiền lương, thưởng không được đưa vào dữ liệu phân tích.

Trong số 15 doanh nghiệp niêm yết có thu nhập CEO cao nhất năm vừa qua, có tới 6 doanh nghiệp trả thu nhập trên 10 tỷ đồng cho vị trí nhân sự cấp cao này, cao nhất lên tới 17 tỷ đồng.

Mức thu nhập "khủng" này thuộc về CEO Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc Người đảm nhiệm vai trò CEO KBC hiện tại là bà Nguyễn Thị Thu Hương (giữ vai trò này từ tháng 11/2012 đến nay). Đồng thời, bà cũng là Thành viên HĐQT KBC từ tháng 4/2012.

Một số doanh nghiệp khác trong Top 15 doanh nghiệp trả thu nhập cao cho CEO là người nước ngoài bao gồm Masan (MSN), Bất động sản Nam Long (NLG), Vinhomes (VHM).

Nguồn: FiinGroup. Ghi chú: Thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT tại Top 15 DN này không bao gồm giá trị của cổ phiếu thưởng và/hoặc cổ phiếu theo chương trình quyền chọn dành cho cấp điều hành (ESOP)

Theo báo cáo, ngành Bất động sản đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn thách thức và với hiệu quả hoạt động suy giảm nhiều năm liên tiếp nhưng thu nhập cho vị trí CEO vẫn ở mức cao nhất trong các ngành.

Còn với vị trí Chủ tịch HĐQT, mức thu nhập bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Ngân hàng và Dịch vụ tài chính, chủ yếu là công ty chứng khoán có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này. Mối tương quan giữa thu nhập và hiệu quả hoạt động rõ ràng hơn khi xét theo quy mô vốn hóa.

15 doanh nghiệp trả lương cao nhất cho Chủ tịch HĐQT gồm PNJ, STB, SSI, VHM, TPB, SSB, HDB, NLG, NTP, ACG, VSC, REE, GEX, VND, PVS.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT PNJ là người nhận thu nhập cao nhất với mức 8,8 tỷ đồng/năm, gấp hơn 5 lần so với mức thu nhập bình quân thị trường.

Đứng sau là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank (STB) Dương Công Minh có thu nhập 8,6 tỷ đồng trong năm 2023. Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng có lương 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, chủ tịch của Vinhomes, TPBank (TPB) và SeABank (SSB) có thu nhập tương ứng trong năm 2023 lần lượt là 6,4 tỷ đồng, 6,2 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu nhập của Thành viên độc lập HĐQT cũng ghi nhận sự chênh lệch lớn giữa các ngành, cao nhất ở ngành Hàng cá nhân và Ngân hàng.

Tuy nhiên, mức thu nhập trung bình vẫn còn mang tính tượng trưng ở nhiều doanh nghiệp. Xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của Thành viên độc lập HĐQT cải thiện mạnh ở nhóm vốn hóa nhỏ trong năm 2023 và giảm nhẹ ở nhóm vốn hóa vừa.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm