31/10/2023 4:21 PM
Với chiều cao gần 462m, Landmark 81 là tòa tháp cao nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.

Tòa tháp tài chính 108 tầng cao nhất Việt Nam tại Đông Anh chuẩn bị khởi công

Phương Trạch Tower là tòa tháp trung tâm tài chính cao 108 tầng thuộc dự án xây dựng thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội, dự kiến sẽ được khởi công vào ngày 10/11 tới đây.

Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội nằm ngay chân cầu Nhật Tân, trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài của thành phố Hà Nội với quy mô 272 ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Dự án này do liên doanh Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Khi hoàn thành, Phương Trạch Tower dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nhưng trước khi Phương Trạch Tower hoàn thành, tòa nhà The Landmark 81 với chiều cao 461,2m, gồm 81 tầng nổi và 3 tầng hầm đang là tòa tháp cao nhất Việt Nam.

Tòa nhà The Landmark 81 với chiều cao 461,2m, gồm 81 tầng nổi và 3 tầng hầm đang là tòa tháp cao nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại

Landmark 81 nằm trong tổ hợp khu đô thị Vinhomes Central Park tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 27/7/2018. Tòa nhà này tích hợp đầy đủ các phân khu chức năng trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ, các nhà hàng, tầng quan sát...

Landmark 81 có tổng diện tích sàn lên tới 241.000 m2, móng sâu 75m, sử dụng hơn 100.000 m3 bê tông cùng 80.000 tấn thép

Với tổng diện tích sàn lên tới 241.000m2, móng sâu 75m, sử dụng hơn 100.000m3 bê tông cùng 80.000 tấn thép…, biểu tượng mới của TP.HCM là một trong những tòa tháp có tiền độ thi công nhanh nhất khi chỉ mất hơn 3 ngày để hoàn thành một sàn.

Trên thực tế, việc thiết kế và thi công nhà siêu cao tầng được xếp vào hàng phức tạp nhất trong kỹ thuật xây dựng. Để đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ của dự án, đòi hỏi nhà thầu phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố về biện pháp thi công, giải pháp kỹ thuật, giải pháp vật liệu, tổ chức mặt bằng thi công và tổ chức lực lượng thi công hợp lý.

Tòa nhà Landmark 81 được xây dựng theo mô hình xây dựng fast-track

Theo đó, để xây dựng Landmark 81, bên cạnh giải quyết các vấn đề kỹ thuật như co ngắn cột, trắc đạc bằng GPS, bơm bê tông lên tầng cao 400m, cẩu lắp các cấu kiện ở độ cao 400-461,5m, bao che trượt, cẩu tháp leo trong lõi thang… nhà thầu thi công đã áp dụng mô hình xây dựng cấp tốc (fast-track).

Mô hình xây dựng fast-track là cách triển khai dự án khi chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng hoặc để phù hợp với xu thế tiêu dùng ngay tại thời điểm đó.

Được biết, mô hình fast-track xuất hiện từ những năm 1930, tòa nhà cao nhất thế giới lúc đó tại Mỹ là Empire State đã được xây dựng chỉ trong vòng 18 tháng dựa theo phương pháp này.

Thông thường, việc thiết kế có 3 loại: thiết kế ý tưởng ban đầu, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công. Với mô hình fast-track, nhiều công việc như thiết kế, xin phép, thi công, mua sắm thiết bị, nghiệm thu... được thực hiện song song để rút ngắn tổng thời gian triển khai dự án.

Ở Việt Nam, bên cạnh Landmark 81, một số công trình khác được triển khai theo mô hình fast-track có thể kể đến như dự án VinFast (Hải Phòng), nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất hoặc nhà máy Lego (Bình Dương).

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.