Qua triển khai các nhiệm vụ KH&CN bước đầu cho thấy khả năng có thể sử dụng cát nhiễm mặn thay thế vật liệu đắp truyền thống cho nền đường cao tốc.

Hiện nay, ở nước ta nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong đó việc xây dựng các công trình hạ tầng (công trình xây dựng, công trình giao thông) luôn đòi hỏi một khối lượng lớn vật liệu, trong đó có vật liệu cát dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông.

Trên thực tế, nguồn tài nguyên cát sông ngày càng khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh ngành giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc, nhất là tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long(ĐBSCL), việc cung ứng kịp thời vật liệu cát sông phục vụ cho các dự án đang gặp nhiều khó khăn.

Cát biển có thể thay thế cát sông để san nền đô thị, đắp đường cao tốc

Trong chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đánh giá thử nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đồng thời, kết luận rõ việc sử dụng cát biển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với đường ô tô cao tốc để đề xuất nhân rộng cho các dự án giao thông trọng điểm và quan trọng quốc gia, nhất là tại khu vực ĐBSCL.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị được Bộ GTVT giao thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tháng 3/2023, nơi này đã thí điểm tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, phạm vi thí điểm thuộc đoạn tuyến hoàn trả ĐT 978 tại lý trình km79+820. Đến tháng 5/2023, đơn vị thi công đắp xong cát biển và cát sông trên toàn bộ tuyến đường hoàn trả ĐT 978 và láng nhựa mặt đường toàn tuyến vào tháng 8/2023.

Sau 8 tháng quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm xung quanh đoạn đường được đắp bằng cát biển, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết môi trường nền tại 2 bên đoạn thử nghiệm đã bị nhiễm mặn trước khi thi công thí điểm và chưa có bằng chứng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ KH&CN đã xem xét, hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu trong nước triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, sử dụng cát mặn làm vật liệu xây dựng trong xử lý, sử dụng cát mặn thay thế cát tự nhiên trong xây dựng giao thông, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình xây dựng dân dụng.

Cụ thể là cụm nhiệm vụ: Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn san nền, đắp nền đường; nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn trong bê tông xi măng cho kết cấu bê tông cốt thép dân dụng; nghiên cứu công nghệ cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy khả năng có thể sử dụng cát nhiễm mặn thay thế vật liệu đắp truyền thống cho nền đường, đặc biệt là các khu vực ít hoặc không bị ngập nước.

Tùy theo các yêu cầu thiết kế cụ thể có thể sử dụng các biện pháp gia cố nền đường sử dụng cát nhiễm mặn như các phương án sử dụng vải địa kỹ thuật, ô địa kỹ thuật kết hợp với phương án bảo vệ mái taluy nhằm tăng cường sức chịu tải cũng như độ ổn định của nền đường.

Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu rộng và chi tiết về ảnh hưởng của hàm lượng muối trong cát nhiễm mặn đến môi trường xung quanh theo thời gian, đặc biệt trong điều kiện ngập nước như ĐBSCL. Hàm lượng muối có trong cát nhiễm mặn biến động rất lớn, phụ thuộc vào địa điểm, công nghệ khai thác cát, phương án vận chuyển, bơm hút...

Xem thêm: Giá VLXD mới nhất 2024

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.