04/08/2010 3:51 AM
Ông Lê Đức Thúy cho rằng chính sách tiền tệ đã bị thắt chặt quá mức cần thiết thời gian vừa qua khiến tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng gặp khó khăn.
Tín dụng tiền đồng khó tăng
Nếu không hoàn thành đúng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay thì tăng trưởng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định sau khi than phiền việc tăng tín dụng của ngân hàng ông đang cực kỳ khó khăn.

Đẩy mạnh cho vay

Trong sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 10,52%, nhưng trong đó tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng chỉ đạt 4,6% trong khi bằng ngoại tệ lại tăng đến 27% so với cuối năm 2009.

Tuy nhiên, tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ các tháng qua luôn thấp hơn so với tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ. “Như vậy cơ bản khả năng tăng tín dụng bằng đô la Mỹ không còn nữa trong những tháng cuối năm, vì vậy ngân hàng sẽ phải tập trung cho vay tiền đồng”, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói trong một buổi hội thảo tại TPHCM tuần trước.

Vì thế không hẹn mà gặp, đồng loạt các ngân hàng trong tháng 7 đã đưa ra hàng loạt chương trình với rất nhiều tên gọi nhưng đều nhằm mục đích là tăng dư nợ bằng tiền đồng cho khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.

Một thực tế cho thấy là tăng trưởng dư nợ bằng tiền đồng của các ngân hàng sáu tháng đầu năm không được như mong muốn vì rất nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là do người đi vay không chấp nhận mức lãi suất vẫn còn khá cao.

Chính vì vậy các ngân hàng đang nỗ lực đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm khi công bố khá nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã công bố sẽ dành từ 20.000-30.000 tỉ đồng cho vay đối với khu vực nông nghiệp và khoảng 30.000 tỉ đồng cho vay đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu trong nửa cuối năm. Eximbank cũng cho biết sẽ dành 2.000 tỉ đồng cho chương trình tài trợ xuất khẩu với lãi suất 12%/năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng ACB đã cho ra mắt hai sản phẩm mới nhắm trực tiếp vào doanh nghiệp xuất khẩu, đó là cho vay bảo đảm bằng khoản phải thu từ bộ chứng từ hàng xuất khẩu thanh toán theo phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T) và chương trình “Tài trợ xuất khẩu lãi suất siêu ưu đãi”.

Đây là hai chương trình mà ngân hàng này tin rằng sẽ giải quyết được vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay: đó là lãi suất cho vay tiền đồng cao và không được ngân hàng tài trợ khi xuất trình bộ chứng từ thanh toán theo phương thức chuyển tiền bằng điện. Với sản phẩm mới này, ACB chấp nhận tài trợ đến 95% trị giá bộ chứng từ hàng xuất khẩu thanh toán theo phương thức T/T.

Chương trình “Tài trợ xuất khẩu lãi suất siêu ưu đãi” được triển khai từ đây đến cuối năm với quy mô lên đến 50 triệu đô la Mỹ. Khi xuất trình L/C hoặc chứng từ ứng trước bao thanh toán xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ được tài trợ đến 98% trị giá L/C, hoặc 100% trị giá bộ chứng từ… với chi phí vay vốn chỉ bằng khoảng 70% lãi suất vay vốn lưu động thông thường.

Bài toán lãi suất

Thế nhưng những chương trình như của ACB chỉ có thể đến với các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng rồi, trong khi những doanh nghiệp khác vẫn còn khó khăn để tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Lê Đức Thúy cho rằng hiện lãi suất trung bình cho các doanh nghiệp vay là 14-16%/năm. Nhiều ngân hàng công bố cho vay lãi suất 12,5-13% nhưng doanh nghiệp cực kỳ khó tiếp cận hoặc mức lãi suất thấp sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện.

Ông Thúy cho rằng chính sách tiền tệ đã bị thắt chặt quá mức cần thiết thời gian vừa qua khiến tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng gặp khó khăn. Ông nói nếu tình hình lãi suất không khả quan thì tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ khó đạt 25% như mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Thúy, khả năng tăng tín dụng bằng tiền đồng đang bị hạn chế bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, lãi suất huy động bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư khác và sự lo ngại lạm phát vẫn còn khiến cho vốn huy động tăng chậm. Thứ hai, lãi suất cho vay hiện đang quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.

Bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, cho biết Chính phủ muốn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm lãi suất huy động, tuy nhiên những quy định gần đây đã khiến việc giảm lãi suất không dễ dàng. Quy định về việc không cho các ngân hàng huy động trên thị trường liên ngân hàng quá 20% vốn huy động từ dân cư cũng như quy định tối thiểu tiền gửi/tiền vay có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng.

Ông Thúy cho rằng thị trường liên ngân hàng là nơi để các ngân hàng điều tiết vốn nhưng Ngân hàng Nhà nước lại khống chế các ngân hàng không được vay trên thị trường liên ngân hàng quá 20% đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của các ngân hàng.

Các ngân hàng nhỏ không vay được từ thị trường liên ngân hàng nên buộc phải vay từ dân cư, mà công cụ hữu hiệu nhất để thu hút vốn từ dân cư là tăng lãi suất. Bà Thủy cho rằng nếu ngân hàng nhỏ giữ lãi suất cao thì các ngân hàng lớn có dư vốn cũng không thể giảm lãi suất được, dẫn đến cả lãi suất huy động và cho vay khó lòng giảm nhanh được.

Do vậy, đại diện của ANZ cho rằng nếu tình hình vẫn như hiện nay thì lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn sẽ không có gì thay đổi trong vòng 2-3 tháng tới. Ông Thúy cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh những chính sách tiền tệ không phù hợp thì mới giúp tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm.

Áp lực lên tỷ giá

Trong khi các ngân hàng vẫn không thay đổi giá mua và bán đô la Mỹ, thì trên thị trường tự do giá loại ngoại tệ này đã bắt đầu tăng từ cuối tuần trước lên 19.190 đồng mua vào và 19.220 đồng bán ra, và giữ ở mức đó vào đầu tuần này, tăng nhẹ 20 đồng so với giữa tuần trước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể mua được đô la Mỹ bằng giá niêm yết tại các ngân hàng dù giá bán đã ở mức cao nhất được phép là 19.100 đồng. Một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết phải bỏ thêm từ 40-100 đồng cho một đô la mua từ ngân hàng kể cả quốc doanh và cổ phần.

Việc này cũng được xác nhận bởi giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh lớn. Vị này cho biết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù đã có cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng nhưng khi thu được đô la Mỹ trước thời hạn thanh toán vẫn để đó chưa vội bán cho ngân hàng vì hy vọng giá có thể tăng. Trong khi đó, ngân hàng phải đi tìm mua ngoại tệ từ các doanh nghiệp khác với giá cao, vì thế phải bán cho doanh nghiệp có nhu cầu với giá cao hơn giá niêm yết.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng cũng không quá khan hiếm, doanh nghiệp đăng ký mua ngoại tệ nếu chấp nhận giá cao thì sẽ được mua ngay, còn không thì phải chờ, chứ không như đợt sốt ngoại tệ đầu năm ngoái doanh nghiệp muốn mua giá cao cũng không có.

Nhu cầu mua đô la Mỹ được dự báo sẽ tăng trong các tháng cuối năm và theo đó áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng lên. Vị giám đốc trên cho biết hiện nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp sản xuất để nhập nguyên liệu đã bắt đầu tăng lên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết theo chu kỳ vào các tháng cuối năm nhu cầu mua ngoại tệ sẽ tăng cao để thanh toán hoặc chuyển lợi nhuận về nước.

Trong một hội thảo tại TPHCM tuần trước, bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, nói rằng chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ hiện vẫn ở mức cao, khoảng 7-8 điểm phần trăm, đang gây áp lực lên tỷ giá khi nhiều doanh nghiệp vẫn muốn vay bằng ngoại tệ. Và nếu các doanh nghiệp này không có nguồn thu bằng ngoại tệ thì khi đến hạn trả nợ sẽ phải mua đô la, làm tăng nhu cầu ngoại tệ.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước có thành công trong việc giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng trong thời gian tới thì sẽ có một làn sóng doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng và trước khi chuyển, họ sẽ phải mua đô la để tất toán các khoản nợ hiện hành. Điều này cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, bà Thủy nói.

Quan điểm của bà Thủy cũng được ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đồng tình. “Sẽ có áp lực chứ không phải ổn, và hiện nay đã có áp lực”, ông Thúy nói. Áp lực nhiều hay ít phụ thuộc khả năng điều tiết của Ngân hàng Nhà nước mua bán can thiệp thế nào để giữ tỷ giá ổn định. Theo ông Thúy, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước giải quyết được vấn đề về lãi suất tiền đồng thì mới có thể giải quyết vấn đề tỷ giá.

Võ Châu


Cafeland.vn
TBKTSG

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.